Theo ông hoạt động tín dụng trong năm 2016 sẽ cải thiện ra sao?
Tăng trưởng tín dụng năm 2015 là gần 18%, trong khi đó mức tăng trưởng cùng kỳ các năm 2011-2014 chỉ khoảng 12%. Nợ xấu được kiểm soát tốt trong năm 2015, chỉ còn 2,72%. Trong năm 2015 đại đa số ngân hàng là tăng trưởng an toàn.
Chẳng hạn tại VIB tập trung vào tài trợ nhu cầu vay như vay thế chấp bất động sản, ô tô. Nợ xấu được kiểm soát, VIB dự kiến tín dụng vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tới 20% trong năm 2016 đi cùng với kiểm soát tốt nợ xấu.
. |
Nhu cầu vay vốn cá nhân để mua nhà, tiêu dùng, mua ô tô sẽ thay đổi mạnh trong năm 2016 không, thưa ông?
Thị trường bất động sản năm 2015 đã phục hồi rất ấn tượng, trên toàn bộ các phân khúc, nhất là phân khúc nhà dự án và không chỉ tập trung tại Hà Nội, TP.HCM. Số lượng giao dịch tăng đáng kể, tăng trưởng 6 tháng cuối năm hơn 38% so với 6 tháng đầu năm.
Trong năm 2016, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng ở các phân khúc đất nền, nhà ở thương mại, chung cư. Các dự án bất động sản cũng có xu hướng liên kết với từ 1-3 ngân hàng để cung cấp cho khách hàng sản phẩm trọn gói để yên tâm có nguồn tài chính hỗ trợ cho việc mua nhà.
Do vậy, thị trường bất động sản sẽ càng nhộn nhịp và hấp dẫn hơn. Đây cũng sẽ là điều kiện tốt để các ngân hàng đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay mua nhà.
Năm 2015 sức mua ô tô có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tăng gần 60% so với năm 2014. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đang được xem xét điều chỉnh là một đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng. Do vậy, tín dụng vay mua ô tô vẫn được nhận định sẽ tăng mạnh mẽ trong năm 2016.
Hiện lãi suất vẫn là rào cản lớn đối với khách hàng cá nhân vay mua nhà. Liệu mức lãi suất này có tiếp tục tăng trong năm 2016 khi một số nhận định đã cho rằng, khả năng mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng trong năm tới?
Thực tế lãi suất không còn là rào cản lớn với khách hàng. Lãi suất dưới 10%/năm ổn định như hiện nay được xem là vừa phải, khuyến khích người đi vay. Điều quan trọng khách hàng cần lưu ý là lựa chọn gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu tài chính của mình, xác định thời gian vay phù hợp cũng như xem xét tính linh hoạt của khoản vay hay tính lãi phạt khi trả nợ trước hạn.
Theo tôi, mặt bằng lãi suất huy động tăng đợt cuối năm phần lớn là do cạnh tranh tiền gửi huy động giữa các ngân hàng chứ không hoàn toàn do các yếu tố vĩ mô. Có thể nhận thấy nhiều áp lực lên lạm phát trong năm tới. Tuy nhiên, theo kịch bản tích cực từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra, lạm phát sẽ được duy trì và giúp lãi suất đi ngang hỗ trợ cho nền kinh tế. Do đó, tôi hy vọng lãi suất cho vay mua nhà sẽ vẫn được duy trì mức tốt như hiện nay. Nếu có tăng cũng chỉ tăng nhẹ chứ không tăng đột biến.
Các ngân hàng đang rộng cửa cho vay với bất động sản, theo ông cần có cảnh báo gì về rủi ro trong cho vay không?
Rủi ro không chỉ nằm ở cho vay bất động sản mà có thể xảy ra với bất cứ hình thức tín dụng nào. Các ngân hàng đã trải qua thời kỳ bong bóng bất động sản vài năm trước, do vậy đã kiểm soát rủi ro bất động sản hiệu quả hơn. Khi cho vay các ngân hàng sẽ xem xét các yếu tố gồm nhu cầu vay mua bất động sản để ở chứ không phải đầu tư; dự án chọn lọc; nhà đầu tư uy tín, để ra quyết định cho vay. Năm 2016, thị trường bất động sản vẫn rất phát triển, do nhu cầu tăng nên dòng chảy tín dụng vào bất động sản tăng trưởng là điều tất yếu, tuy nhiên sẽ không đột biến. Bên cạnh đó, việc kiểm soát rủi ro tín dụng vẫn là công tác được quan tâm song song với tăng trưởng dư nợ. Để khoản vay không trở thành gánh nặng tài chính nếu có rủi ro xảy ro trong cuộc sống, ngân hàng cũng đã cung cấp thêm sản phẩm bảo hiểm cho khoản vay cũng như các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, nhằm đảm bảo rủi ro cho khách hàng.