Y tế - Sức khỏe
Thận trọng khi xem Covid-19 là “bệnh lưu hành”
Dương Ngân - 11/03/2022 14:48
Nhiều chuyên gia cho rằng, còn quá sớm để xem Covid-19 là “bệnh lưu hành”, người dân không nên có tâm lý chủ quan.
Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là bệnh lưu hành

Cân nhắc kỹ lưỡng

Hiện trên thế giới, nhiều quốc gia đã bỏ mọi biện pháp phòng chống Covid-19. Chẳng hạn, Mỹ đã đánh dấu một giai đoạn mới trong phản ứng của chính phủ đối với Covid-19 khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố "Covid-19 không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta".

Đầu tháng 2/2022, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu chấm dứt mọi luật lệ liên quan đến virus SARS-CoV-2. Theo quan điểm của Chính phủ Đan Mạch và suy nghĩ của đại đa số người dân nước này, thì virus SARS-CoV-2 không còn được coi là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội". Ngay cả khi có kết quả dương tính, người mắc không có nghĩa vụ phải tự cách ly.

Na Uy, Thuỵ Điển và nhiều quốc gia châu Âu khác cũng chuẩn bị công bố thoát khỏi đại dịch Covid-19 vào đầu tháng 4/2022.

Trong khu vực Đông Nam Á thì Thái Lan đang dự định tuyên bố “Covid-19 là bệnh đặc hữu theo một bộ tiêu chí riêng”. Quan điểm của Bộ Y tế Thái Lan là Covid-19 đã lây lan trong hơn 2 năm qua, các xu hướng cho thấy dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng, nhất là với người đã tiêm đủ vắc-xin.

Nếu so sánh với các nước Tây Âu có quan điểm coi Covid-19 như bệnh đặc hữu sẽ thấy, dù Việt Nam tỷ lệ tiêm chủng tốt, nhưng vẫn chưa cao bằng họ. Hơn nữa, các quốc gia này ngoài việc tiêm chủng, họ đã trải qua 3-4 đợt dịch Covid-19 lớn, như vậy tỷ lệ dân số mắc đã rất cao. Trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này còn thấp, nghĩa là miễn dịch cộng đồng chưa cao.

Còn nhớ, tháng 3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch toàn cầu do sự lây lan nhanh chóng của Covid-19. Nhiều chuyên gia tin rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ bị diệt trừ, đến một lúc nào đó, thế giới sẽ chuyển đổi từ “đại dịch” sang giai đoạn “bệnh đặc hữu”.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa, bệnh đặc hữu là “sự hiện diện thường xuyên của một căn bệnh hoặc tác nhân truyền nhiễm trong một cộng đồng tại một khu vực địa lý”.

Đại dịch là một loại bệnh dịch lan rộng, nhanh chóng với các ca bệnh gia tăng theo cấp số nhân trên một khu vực rộng lớn. Trong khi đó, bệnh đặc hữu thường xuyên xuất hiện và có tốc độ lây lan khá dễ đoán. Khả năng dự đoán đó cho phép hệ thống chăm sóc sức khỏe và bác sỹ chuẩn bị, thích ứng, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng.

Tại Việt Nam, với đề xuất coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" mà một số ý kiến đưa ra, Bộ Y tế cho hay, cần đáp ứng được 4 tiêu chí: tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; dịch bệnh xảy ra ở một nhóm hoặc quần thể dân số trên địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh ổn định và dự báo được.

Qua đó, Bộ Y tế cho rằng, Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang "bệnh lưu hành". Hiện tỷ lệ mắc Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, số ca tử vong theo ngày vẫn còn rất cao. Bên cạnh đó, virus liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới, do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

“Vì vậy, thời gian này, Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là bệnh lưu hành. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với WHO và các tổ chức quốc tế theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus để tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi Covid-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp”, đại diện Bộ Y tế cho biết.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam nên thận trọng khi xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. PGS-TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ, chúng ta chưa thể chắc chắn rằng việc kiểm soát đã thật sự ổn định về tỷ lệ mắc mới. Muốn đưa Covid-19 về bệnh lưu hành thì phải ổn định số ca mắc, nhưng ca mắc Covid-19 hiện vẫn bùng lên và rất thất thường, khó đoán. Kỳ vọng về miễn dịch cộng đồng ở thời điểm này cũng không thể đạt.

 

Thích ứng linh hoạt

Cần có thái độ ra sao để ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay? Trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến “Chung sức vượt qua đại dịch” do Báo Đầu tư tổ chức, TS. Trần Viết Lực, Phó giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng, chúng ta đã xác định thích ứng linh hoạt với dịch bệnh thì việc xác định tâm thế chủ động cũng như không sợ hãi, không hoang mang, ứng xử bình thường với dịch là cần thiết.

Ông Lực khẳng định, chúng ta không chủ quan, song mỗi người cũng không nên sợ hãi quá mức, dẫn đến các ứng xử không đúng như gom thuốc điều trị Covid-19 để dự trữ, lạm dụng các loại thuốc chữa bệnh, dùng thuốc không theo chỉ định hay test nhanh liên tục.

Còn theo PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đến thời điểm này cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả. Khi xác định được tâm thế ấy, chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh sống chung với Covid-19 và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát.

Đề xuất thay đổi quan điểm về dịch bệnh để không bị khủng hoảng là ý kiến của BS. Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn). Ông Phúc cho rằng, nếu chúng ta cứ mắc kẹt trong cái bẫy mang tên “đại dịch Covid-19”, khi mà biến thể Omicron đang bắt đầu tấn công ồ ạt, thì sẽ đối mặt với khủng hoảng khan hiếm nghiêm trọng về kit xét nghiệm, khủng hoảng nguồn nhân lực lao động, khủng hoảng về hệ thống y tế với nguy cơ đổ vỡ. Bởi vậy, nên trả Covid-19 về cho tuyến y tế điều trị.

Tin liên quan
Tin khác