Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 10/3: Kháng thể đơn dòng Evusheld sắp về Việt Nam, có thể phòng ngừa Omicron; đề xuất nới lỏng khách nhập cảnh
D.Ngân - 10/03/2022 11:06
Kháng thể đơn dòng Evusheld - kháng thể dự phòng Covid-19 đầu tiên được cấp phép sắp có mặt tại Việt Nam. Evusheld được chứng minh có hiệu quả phòng ngừa ít nhất 6 tháng, đặc biệt có thể phòng ngừa cả biến thể Omicron.

Cả nước ghi nhận thêm 160.661 ca Covid-19 mới

Tính từ 16h ngày 9/3 đến 16h ngày 10/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 160.676 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 160.661 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành, 107.465 ca trong cộng đồng.

Ngày 10/3/2022, Sở Y tế Thanh Hoá đăng ký bổ sung 30.000 ca, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 21.182 ca và Sở Y tế Bình Định đăng ký bổ sung 6.601 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-6.946), Gia Lai (-2.551), Hà Nội (-1.208). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (+1.309), Hồ Chí Minh (+1.205), Nghệ An (+845).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 147.780 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 5.260.495 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 53.253 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 5.252.942 ca, trong đó có 2.905.548 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (560.671), Hà Nội (521.523), Bình Dương (327.930), Bắc Ninh (205.710), Nghệ An (183.206).

53.151 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.908.365 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.044 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 3.221 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 432 ca; thở máy không xâm lấn là 98 ca; thở máy xâm lấn là 290 ca; ECMO là 3 ca.

Từ 17 giờ 30 phút ngày 9/3 đến 17 giờ 30 phút ngày 10/3 ghi nhận 71 ca tử vong.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 87 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.157 ca, chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 35.075.303 mẫu tương đương 80.924.444 lượt người, tăng 153.308 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 9/3 có 244.960 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 198.904.850 liều.

Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 181.862.922 liều: Mũi 1 là 70.884.517 liều; Mũi 2 là 67.736.215 liều; Mũi 3 là 1.492.598 liều; Mũi bổ sung là 14.365.201 liều; Mũi nhắc lại là 27.384.391 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.041.928 liều: Mũi 1 là 8.746.907 liều; Mũi 2 là 8.295.021 liều.

Hà Nội có thêm 30.157 F0 mới

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua ghi nhận 30.157 ca bệnh (12.351 ca cộng đồng; 17.806 ca đã cách ly).

Bệnh nhân phân bố tại 521 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức (1771); Thanh Trì (1681); Long Biên (1664); Nam Từ Liêm (1530).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 524.697 ca.

Tính đến hết ngày 9/3, thành phố có gần 646.000 ca dương tính đang điều trị, theo dõi. Trong đó có hơn 640.000 người theo dõi cách ly tại nhà; gần 600 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã.  

Có 4.651 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố (giảm 200 ca) và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 

Trong hơn 5.000 ca đang điều trị tại các bệnh viện, có hơn 3.300 ca ở mức độ trung bình (chiếm khoảng gần 70%), 864 ca nặng/nguy kịch (giảm khoảng 30 ca so với báo cáo thống kê hôm qua). Số bệnh nhân phải thở oxy mask/gọng kính, HFNC hay thở máy xâm lấn đều giảm so với trung bình 7 ngày trước. 

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế, sau hơn 1 năm triển khai tiêm vắc-xin Covid-19, đến nay Hà Nội đã tiêm  được hơn 16,12 triệu mũi. 

Cùng với gần 70.000 mũi nhắc lại được tiêm bởi các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội, đến nay có hơn 3,75 triệu người ở Thủ đô đã tiêm mũi nhắc lại (đạt gần 80%). 243.800 mũi bổ sung đã được tiêm cho người dân từ 18 tuổi trở lên (đạt 99,9%). 

Theo thống kê, khoảng 99,7% trẻ từ 12-17 tuổi đã được tiêm 2 mũi vắc-xin.

Bước tiến mới trong cuộc chiến với Covid-19

Kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca - kháng thể dự phòng Covid-19 đầu tiên được cấp phép trên thế giới sắp có mặt tại Việt Nam giúp bảo vệ nhóm người nguy cơ cao trong đại dịch. 

Kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca-kháng thể dự phòng Covid-19 đầu tiên được cấp phép trên thế giới sắp có mặt tại Việt Nam.

Evusheld được chứng minh có hiệu quả phòng ngừa ít nhất 6 tháng, đặc biệt có thể phòng ngừa cả biến thể Omicron.

Theo nghiên cứu PROVENT của AstraZeneca, chỉ vài giờ sau khi tiêm Evusheld cơ thể đã có đủ lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ không mắc Covid-19 với hiệu quả lên tới 83%, và không có trường hợp nào bệnh nặng hay tử vong trong suốt 6 tháng theo dõi.

Evusheld đi theo con đường miễn dịch thụ động, nghĩa là tiêm vào cơ thể một lượng kháng thể đã được tổng hợp sẵn. Nhờ đó, Evusheld cung cấp đủ lượng kháng thể cần thiết để chống lại SARS-CoV-2, nhờ trung hòa các tác nhân gây bệnh và chống xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh. Người bệnh có thể tiêm Evusheld bằng đường tiêm bắp (cơ mông).

Hiệu quả này được quan sát thấy ở cả những người bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc đang sử dụng các thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có thể không tạo được đáp ứng miễn dịch với vắc-xin phòng Covid-19 như: người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ như dùng corticoid liều cao, kéo dài) hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…

Những người không thể tiêm bất kỳ loại vắc-xin Covid-19 nào hiện có vì từng xảy ra tác dụng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần của vắc-xin Covid-19 như: dị ứng nặng, sốc phản vệ… vẫn được chỉ định tiêm.

Evusheld được chứng minh có hiệu quả phòng ngừa ít nhất 6 tháng, đặc biệt có thể phòng ngừa cả biến thể Omicron.

Evusheld là kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép nhằm dự phòng trước virus SARS-CoV-2, đặc biệt trên nhóm người nguy cơ cao, nhóm người yếu thế, suy giảm miễn dịch, nhóm người không có khả năng sinh kháng thể dù đã được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, hoặc những người không thể tiêm vắc-xin.

Trước khi có Evusheld, nhóm người này gần như không có biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả, ngoại trừ cách ly với nguồn lây, đồng thời, đây cũng là nhóm dễ chuyển nặng, nhập viện và tử vong khi mắc Covid-19.

Thông qua sự phân phối của Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC), Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị đầu tiên đã được Bộ Y tế cấp phép chính thức sử dụng kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca. Evusheld sẽ được sớm đưa về Việt Nam và sử dụng tại hệ thống bệnh viện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

GS. TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ, liệu pháp kháng thể đơn dòng như Evusheld sẽ cung cấp thêm một lớp “phòng thủ ngay tức thì” để gia tăng bảo vệ cho những trường hợp có nguy cơ cao, thắp lên trong họ hy vọng được sớm quay trở lại cuộc sống bình thường mới như những người khác, đồng thời giảm thiểu nguy cơ chuyển biến nặng, nhập viện và tử vong ở những người này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính khoảng 2% dân số toàn cầu thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước Covid-19 do bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng.

Tại Việt Nam, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong vẫn cao thời gian gần đây chủ yếu rơi vào nhóm nguy cơ cao là người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh hệ thống. Trong số đó, có nhiều người không thể tiêm được vắc-xin. 

Do đó, Evusheld được kỳ vọng là giải pháp bảo vệ nhóm nguy cơ cao này, giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong, từ đó giảm áp lực điều trị bệnh nặng cho tuyến cuối tại các bệnh viện điều trị.

Hiện Chính Phủ Mỹ đã đặt mua 1,7 triệu liều Euvusheld của AstraZeneca và triển khai tiêm Evusheld cho những người bệnh chưa có đủ kháng thể chống lại Covid-19. FDA cho phép điều trị dự phòng Covid-19 bằng Evusheld ở người lớn và thanh thiếu niên (từ 12 tuổi và có cân nặng từ 40kg trở lên).

Đây là những người bị suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nặng do tình trạng sức khỏe hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch; những người có khả năng không đáp ứng miễn dịch đầy đủ với vắc xin Covid-19, những người không đủ điều kiện tiêm ngừa Covid-19 do bị ung thư máu hoặc các bệnh ung thư khác đang được hóa trị;

Những người đang dùng thuốc sau khi cấy ghép nội tạng; những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch do các bệnh tự miễn như xơ cứng bì toàn thể, viêm khớp dạng thấp…, hay những người bị bị phản ứng nghiêm trọng khi tiêm vắc xin…

Tại Mỹ, số lượng này hiện chưa đủ đáp ứng toàn bộ nhu cầu cần được bảo vệ trước Covid-19 của nhóm người suy giảm miễn dịch lên tới khoảng 7 triệu người. 

Bộ Y tế đề xuất nới lỏng quy định xét nghiệm, cách ly khách nhập cảnh

Bộ Y tế vừa có dự thảo lấy ý kiến về yêu cầu phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh, theo đó nới lỏng quy định xét nghiệm, cách ly, vắc-xin.

Trong dự thảo gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi COVID-19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ hoặc trong vòng 24 giờ (nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh về Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (gọi tắt là có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2).

Không cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-02 sau khi nhập cảnh, nhưng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như người đã/đang lưu trú tại Việt Nam.

Đối với người nhập cảnh đi theo các đường khác: Trường hợp người nhập cảnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đối với người nhập cảnh theo đường hàng không.

Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như người đã/đang lưu trú tại Việt Nam. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định.

Bộ Y tế yêu cầu, người nhập cảnh đều phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Tại cửa khẩu nếu có triệu chứng nhiễm Covid-19 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.

Phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, rất hạn chế dừng, đỗ dọc đường. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khác theo quy định của Việt Nam.

Với trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Đối với người nhập cảnh Việt Nam theo lời mời của Lãnh đạo cấp cao: thực hiện theo đề án đón đoàn.

Trước đó, trong bản góp ý với Bộ Thể thao, Du lịch - Văn hóa về phương án mở cửa đón khách du lịch, Bộ Y tế có yêu cầu siết chặt kiểm soát. 

Cụ thể du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. 

Trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ, thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh. Kết quả từ phương pháp test nhanh kháng nguyên được công nhận.

Trẻ em dưới 12 tuổi và người có nguy cơ cao cũng có quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể những người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền hạn chế đi du lịch. Những đối tượng này cũng phải có chứng nhận tiêm đủ mũi vắc-xin Covid-19 trước khi nhập cảnh Việt Nam.

Trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc đi du lịch cùng bố mẹ, người thân đáp ứng các quy định trên. Những trẻ đã tiêm vắc-xin hoặc có chứng nhận khỏi bệnh phải xét nghiệm như người lớn. Trường hợp chưa tiêm hoặc chưa mắc Covid-19 không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ. Sau 7 ngày liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV mới được rời nơi lưu trú. Các doanh nghiệp du lịch đã phản ứng gay gắt trước đề xuất này.

Hà Nội nâng cấp hệ thống điều trị ở tầng cao

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát thật hiệu quả dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và nhân dân cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, kinh nghiệm đã giúp Thủ đô vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua, nhất là tinh thần chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu mới hiện nay. 

Trong đó cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 từ thôn, tổ dân phố, xác định “dân là gốc”, phát huy sức mạnh lòng dân, coi người dân là chủ thể, nòng cốt là các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà.

Từng phường, xã, thị trấn trên cơ sở đánh giá tỷ lệ ca F0, dự báo số ca mắc trong thời gian tới để tổ chức lực lượng nòng cốt là thôn, tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng, huy động sự tham gia của các tình nguyện viên, trước hết là đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ, cựu chiến binh... bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu quản lý và hỗ trợ người dân theo địa bàn quản lý.

 Khi người dân mắc Covid-19 ở thể nhẹ, không triệu chứng được cách ly điều trị tại nhà thì tổ Covid-19 cộng đồng tiếp cận ngay, kết nối thông tin, hỗ trợ những thứ cần thiết như nhu yếu phẩm, thực phẩm, hướng dẫn người dân khai báo tình trạng sức khỏe, cấp phát thuốc theo chỉ định của cán bộ y tế, hỗ trợ theo dõi chuyển tầng, giảm áp lực cho y tế cơ sở...

Đồng chí Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đánh giá, nhận định tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn và có phương án ứng phó kịp thời, tương ứng; rà soát, chuẩn bị nâng cấp hệ thống điều trị ở tầng cao để không bị động nếu tình hình dịch kéo dài, diễn biến phức tạp hơn.

UBND thành phố tiếp tục kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu và đánh giá tác động của dịch đối với sức khỏe của người dân. 

Kiến nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập; 

Hướng dẫn việc kê đơn, cấp, bán thuốc Molnupiravir ngoại trú, thống nhất với cơ quan bảo hiểm ban hành việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm Covid-19 được điều trị tại nhà, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính...

Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình để khi được phân bổ vắc-xin là có thể triển khai tổ chức tiêm ngay, bảo đảm an toàn cho trẻ khi quay lại trường học.

Tin liên quan
Tin khác