Hiện chưa là thời điểm lý tưởng để cân nhắc việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ |
Công bằng mà nói, mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam đang ở mức khá cao so với lạm phát. Cụ thể, lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đang ở mức 7-11%/năm (tùy lĩnh vực) trong khi lạm phát 9 tháng đầu năm nay chỉ 0%. Chính vì vậy, giảm lãi suất là mong muốn chính đáng của DN.
Tuy vậy, giảm thêm lãi suất cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn không là điều đơn giản, bởi với đặc thù Việt Nam, lãi suất không chỉ phụ thuộc vào lạm phát, mà còn phụ thuộc vào tín dụng, tỷ giá và lãi suất USD.
Hiện nay, thanh khoản ngân hàng vẫn khá dồi dào, nhưng tình trạng dư thừa vốn đã giảm nhờ tín dụng hồi phục mạnh. Bên cạnh đó, USD vẫn đứng trước nguy cơ tăng giá. Vì vậy, trong ngắn hạn, lãi suất tiền đồng càng phải duy trì ở mức hấp dẫn, nếu không người dân sẽ chuyển dịch từ tiền đồng sang USD.
Về trung và dài hạn, việc giảm lãi suất cũng phải được cân nhắc kỹ bởi năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu phát hành 230.000 tỷ đồng trái phiếu, nhưng 8 tháng đầu năm chưa đạt một nửa chỉ tiêu đề ra. Do vậy, để phát hành thành công số trái phiếu còn lại trong những tháng cuối năm, Chính phủ buộc phải duy trì lãi suất trái phiếu ở mức hấp dẫn.
Điều này khiến lãi suất trung, dài hạn ngân hàng khó giảm. Nói cách khác, trái phiếu chính phủ đang nhìn vào ngân hàng, DN và người dân cũng nhìn vào ngân hàng. Đây là lý do khiến Việt Nam có nền lãi cao và cũng là nguyên nhân khiến lãi suất khó giảm sâu.
Việc nới room tín dụng, bơm thêm vốn ra nền kinh tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tín dụng đang phục hồi khả quan và có khả năng tăng mạnh hơn nữa, song việc nới room không thể được thực hiện ồ ạt do hệ thống ngân hàng không thể quay trở lại thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng mà hiệu quả thấp như trước đây, để rồi lại phải gánh chịu hậu quả nhiều năm sau.
Do đó, phương án nới tín dụng thêm tối đa 2% (có thể tăng tín dụng tối đa lên 17%) của NHNN đưa ra trong năm nay là rất cần thiết để tránh lặp lại tình trạng tín dụng nóng, đồng thời đẩy lạm phát tăng cao trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
Rõ ràng, hiện chưa là thời điểm lý tưởng để cân nhắc việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Cho dù đang ở mức thấp kỷ lục, nhưng chỉ cần một số yếu tố tác động thì lạm phát vẫn có thể dễ dàng bùng lên. Hơn nữa, mục tiêu lạm phát được Chính phủ tính toán trong phạm vi xuyên suốt nhiều năm. Do đó, các giải pháp đưa ra đều phải cân nhắc tới độ trễ tác động, nhằm hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát ổn định cho cả giai đoạn.
Dĩ nhiên, việc hạn chế tăng trưởng tín dụng cũng như lãi suất vẫn đứng ở mức khá cao như hiện nay sẽ khiến nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Do đó, trong giai đoạn này, Chính phủ cần có thêm nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa trong hỗ trợ DN, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh mạnh, xử lý nợ xấu, giảm thủ tục hành chính trong tiếp cận vốn của ngân hàng. Về phần mình, các DN cần tăng cường năng lực quản trị, minh bạch tài chính để tạo niềm tin cho ngân hàng, đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn huy đông thông qua phát hành trái phiếu, đẩy mạnh M&A, tham gia chuỗi liên kết… tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng.