Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh chất vấn từ điểm cầu Ninh Bình. |
Việt Nam có thể đạt được mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban châu Âu vào tháng 10/2023 sắp tới không là chất vấn được đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chiều 15/8.
Theo đại biểu, qua 3 lần kiểm tra đánh giá mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp) và đã có những chuyển biến tích cực.
Nhưng đến nay, đã gần 6 năm nước ta chưa gỡ được thẻ vàng, trong khi Philippines chỉ mất 9 tháng và Thái Lan mất 3 năm để gỡ thẻ vàng. Dự kiến, Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 vào tháng 10/2023 và nước ta đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này. Trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xác định 5 giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng.
Bà Thanh hỏi Bộ trưởng những giải pháp đó đã đầy đủ, đồng bộ, triệt để chưa?
Trả lời, Bộ trưởng Hoan dẫn lại phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng, việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU không phải là một mục tiêu duy nhất của chúng ta mà mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên đại dương, trên vùng biển của Việt Nam.
Thẻ vàng IUU, nếu chúng ta gỡ được mà tính bền vững không có thì gỡ thẻ vàng này rồi người ta sẽ áp đặt thẻ vàng khác, Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Tôi nói lại một lần nữa khi tôi đối thoại với Cao ủy EU về vấn đề này, họ chất vấn tôi 2 câu. Một là, nếu chúng tôi không áp đặt thẻ vàng thì các ông còn dùng cường lực để khai thác làm kiệt quệ tài nguyên, lúc đó người Việt Nam thiệt thòi hay EU thiệt thòi. Hai là, các ông có thấy công bằng hay không khi người vi phạm với người không vi phạm đều như nhau”, Bộ trưởng nói trước cử tri trong phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp.
Vẫn theo Bộ trưởng, nếu so sánh với Philippines và Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của họ đã bền chặt hơn, tức là từ ngư dân tới doanh nghiệp đã xây dựng hệ sinh thái ngành hàng.
“Biện pháp họ làm rất mạnh, đánh đắm luôn những tàu vi phạm giữa biển khơi chứ không phải là phạt như chúng ta”, ông Hoan so sánh.
Vị trưởng ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh khó khăn từ thực thi ở địa phương.
Một bộ máy, một cảng để quản lý xuất nhập khẩu, theo dõi hành trình… rất ít. Thậm chí, có những người cũng không phải chuyên ngành thủy sản mà cũng ra ngồi ở cảng cá, ông Hoan nêu.
Nhấn mạnh khó khăn từ chế tài chưa đủ mạnh, Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng ta hay nghĩ rằng, người ta nghèo mà bây giờ phạt nặng quá, tội nghiệp người ta. Tôi hay nói rằng, chúng ta không biện minh nghèo với EU được nữa, họ cần chúng ta hành động để họ có thể chứng minh được là chúng ta có mức độ kiên quyết hơn. Gần 60% các trường hợp vi phạm, các chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý”.
Ông cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển cho Thủ tướng danh sách của các địa phương thường xuyên có những đội tàu vi phạm nhưng rất loay hoay trong xử lý.
“Cái cũ chúng ta chưa chịu xử lý, người ta nói là mình chưa có giải pháp thì cái mới người ta cũng không có niềm tin là chúng ta có thay đổi”, Bộ trưởng lo ngại.
Cũng quan tâm đến gỡ thẻ vàng, đại biểu Nguyễn Thu Hà (Quảng Ninh) nhắc lại một trong những giải pháp tích cực, đồng bộ để tháo gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản từ trả lời của Bộ trưởng là phát triển nuôi biển,.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc giao, cho thuê mặt nước hiện nay còn nhiều bất cập, vướng mắc như cấp huyện chỉ được giao, cho thuê không quá 1 ha trong phạm vi 3 hải lý, tương đương 5,4 km, khu vực biển thuộc thẩm quyền giao cấp tỉnh dưới 6 hải lý. Ngoài việc lấy ý kiến của cơ quan quân sự, công an tỉnh thì tỉnh phải lấy ý kiến của 4 bộ, ngành trung ương, đó là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quy định này gây mất nhiều thời gian để giải quyết thủ tục hành chính, trong khi không phải khu vực biển nào cũng cần thiết phải xem xét đến vấn đề về quốc phòng, an ninh hay đối ngoại.
Thực tế lấy ý kiến đủ 4 bộ, ngành thường mất khoảng 2 tháng, trong khi quy định chỉ là 15 ngày. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, nên chăng cần xem xét việc phân cấp, phân quyền triệt để hơn cho địa phương? đại biểu Hà chất vấn.
Hồi âm, Bộ trưởng “xin cam kết là sẽ xem lại toàn bộ vấn đề này để cải cách thủ tục hành chính như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua để đơn giản hóa thủ tục”.
Liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Hoan cho biết sẽ trình với Thủ tướng một phương pháp về quản trị mới cho các cảng cá. Bởi vì với nhân lực hiện nay thì không thể quản lý được các đội tàu.
“Mỗi cảng cá là mấy ngàn chiếc tàu, ta phải cấu trúc lại quản trị cho sự tham gia của các thành phần kinh tế vào. Các nhà vựa, đầu nậu, các doanh nghiệp thu mua đang nằm ở ngay cảng cá đó, làm sao để phối hợp quản trị chung, tính minh bạch sẽ tăng lên”, Bộ trưởng nêu giải pháp.
Ông Hoan nhấn mạnh, “một trong những yêu cầu của EU là phải có nhật ký hành trình, nhưng chắc chắn là bây giờ các cảng cá viết hồi ký chứ không phải nhật ký nữa, tức là về rồi bắt đầu ngồi mới nghiền ngẫm mà đó là một trong những điều vi phạm”.
Chưa yên tâm, một số đại biểu khác tiếp tục chất vấn, và Bộ trưởng “hứa” sẽ kiên trì theo đuổi để để giải quyết chấm dứt vấn đề vi phạm trên biển. Vì, “tôi đã làm việc với EU, họ nói chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ được thẻ vàng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.