Cụ thể, Vĩnh Hoàn vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh trong tháng 4/2023. Trong đó, Công ty ghi nhận doanh thu ghi nhận 869 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.
Vĩnh Hoàn chia sẻ, nếu xét doanh thu theo khu vực, doanh thu thị trường Mỹ giảm 69%, về 308 tỷ đồng; doanh thu thị trường Việt Nam giảm 24%, về 203 tỷ đồng; doanh thu thị trường châu Âu giảm 13%, về 128 tỷ đồng; doanh thu thị trường Trung Quốc giảm 13%, về 110 tỷ đồng; và các thị trường khác giảm 6%, về 110 tỷ đồng.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 của Việt Nam tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, xuống 810 triệu USD.
Doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh, trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.
Theo VASEP, riêng thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Các gia đình Mỹ đã quá “ngao ngán” với thực trạng giá thực phẩm lên quá cao. Giờ đây, người dân Mỹ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực. Một số người thậm chí còn mua và ăn ít hơn. Người tiêu dùng đang tìm cách chỉ chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thực sự cần.
Quý I/2023, lợi nhuận Vĩnh Hoàn giảm 60%, về 218,98 tỷ đồng
Trước đó, trong quý I/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.221,58 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 218,98 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23,8% về còn 17,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 50,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 394,02 tỷ đồng, về 384,46 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 17,1%, tương ứng tăng thêm 12,11 tỷ đồng, lên 83,08 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 113%, tương ứng tăng thêm 47,95 tỷ đồng, lên 90,38 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 16,2%, tương ứng giảm 23,09 tỷ đồng, về 119,57 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, với kế hoạch lãi 1.000 tỷ đồng trong năm 2023, Công ty mới hoàn thành 21,9% kế hoạch lợi nhuận năm sau quý đầu tiên.
Bên cạnh kết quả kinh doanh lao dốc, trong quý đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 431,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 680,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 332,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 397,6 tỷ đồng.
Tạm lỗ 46,9% tổng danh mục đầu tư chứng khoán
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn tăng 0,7% so với đầu năm, lên 11.665,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 3.316,6 tỷ đồng, chiếm 28,4% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 2.843,9 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng tài sản; tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.117,6 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.072,5 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Điểm đáng lưu ý, trong danh mục đầu tư cổ phiếu, thời điểm 31/12/2022 đang trích lập dự phòng 76,6 tỷ đồng nhưng tới thời điểm 31/3/2023, Công ty đã trích lập 83,9 tỷ đồng, tăng 7,3 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, danh mục chủ yếu đầu tư 77,4 tỷ đồng cổ phiếu NLG, trích lập dự phòng 32,5 tỷ đồng; đầu tư 57,3 tỷ đồng cổ phiếu DXS, trích lập dự phòng 38,9 tỷ đồng; đầu tư 32,8 tỷ đồng cổ phiếu KBC, trích lập dự phòng 7,7 tỷ đồng; và đầu tư 11,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 4,7 tỷ đồng.
Như vậy, tại thời điểm cuối quý I/2023, Công ty đang đầu tư 178,8 tỷ đồng vào cổ phiếu, trích lập dự phòng toàn bộ danh mục với giá trị 83,9 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 46,9% tổng danh mục.
Ngoài ra, tính tới cuối quý đầu năm 2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 16,7%, tương ứng tăng thêm 397,7 tỷ đồng, lên 2.786,1 tỷ đồng và chiếm 23,9% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 20,6% tổng nguồn vốn).
Phát hành 3,7 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cổ phiếu
Ngoài ra, Vĩnh Hoàn vừa thông qua kế hoạch phát hành 3.667.539 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022 (ESOP), giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu (thấp hơn 82,7% so với giá đóng cửa ngày 19/5) và thời gian hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm.
Trong đó, từ 12 tháng đến 24 tháng được chuyển nhượng 20%; từ 24 tháng đến 36 tháng được chuyển nhượng 40%; từ 36 tháng đến 48 tháng được chuyển nhượng 60%; từ 48 tháng đến 60 tháng được chuyển nhượng 80%; và sau 60 tháng, được chuyển nhượng toàn bộ 100% số cổ phiếu mua ưu đãi.
Thời gian triển khai trong quý II/2023 và trong vòng 45 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/5, cổ phiếu VHC giảm 100 đồng về 57.700 đồng/cổ phiếu.