Trong tháng 1/2022, cả nước có 13.004 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 28,9% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1 tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Trong tháng, cả nước có 13.004 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 192.365 tỷ đồng; tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.
“Đây là số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng đầu tiên của năm cao nhất từ trước đến nay, số vốn đăng ký mới cũng chỉ xếp sau số liệu của tháng 1/2020”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Nếu tính cả 343.776 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5.556 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 01/2022 là 536.141 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt đạt 14,8 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, tình hình thành lập doanh nghiệp mới ở hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM khá tích cực.
Hiện nay, Hà Nội đứng đầu cả nước về số ca nhiễm Covid-19 nhưng đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tháng 1/2022, Hà Nội có 2.398 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 38.585 tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 88,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2021.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã bước đầu thích ứng theo đúng tinh thần chủ động nhằm thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, TP.HCM tiếp tục đà phục hồi ấn tượng sau thời gian triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Cụ thể, trong tháng 01/2022, Thành phố có 3.785 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 537,2% so với tháng 9/2021. Thời điểm việc giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt nhất, số doanh nghiệp thành lập mới của Thành phố chỉ đạt 594 doanh nghiệp.
Ngoài số doanh nghiệp thành lập mới tăng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 01/2022 là 19.121 doanh nghiệp, tăng 194% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là số lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong tháng 1 cao nhất từ trước đến nay.
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong tháng 1/2022 là bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (7.070 doanh nghiệp, chiếm 37,0%); xây dựng (2.543 doanh nghiệp, chiếm 13,3%); công nghiệp chế biến, chế tạo (2.379 doanh nghiệp, chiếm 12,4%).
Tuy vậy, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong tháng, có 38.364 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, có 29.255 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 76,3% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021; 7.084 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,5%; 2.025 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 3,3%.
“Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là trong tháng cuối năm, khi hầu hết doanh nghiệp lựa chọn việc tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn ở thời điểm trước Tết Nguyên đán để chờ đợi và tìm hướng đi, đối tác phù hợp nhằm triển khai kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Kinh doanh bất động sản; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.