Liên quan đến các dự án mở rộng Quốc lộ 1A qua Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hoá bị lún vệt bánh xe, hư hỏng mặt đường có nguyên nhân do thiết kế và thi công, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, Bộ vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa phối hợp với Bộ GTVT xử lý các chủ thể liên quan.
| ||
Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận Hà Nam |
Cụ thể, đối với nhà thầu thi công, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hoá (chủ đầu tư các dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua các tỉnh trên) chậm nhất là đến ngày 31/12 phải khẩn trương cào bóc, hoàn trả bằng bê tông nhựa theo thiết kế đối với những đoạn hằn lún vệt bánh xe; sửa chữa những đoạn hằn lún có chiều sâu trên 2,5 cm để đảm bảo an toàn giao thông; tăng cường những vị trí có kết cấu áo đường không đủ chiều dày, chất lượng thi công không đảm bảo.
Đồng thời, nhà thầu phải kéo dài thời gian bảo hành từ 3 đến 5 năm đối với những gói thầu này.
“Các nhà thầu thi công chỉ được thanh toán theo đúng chiều dày lớp kết cấu và hàm lượng nhựa thực tế đã sử dụng như trong kết quả giám định. Nhà thầu cũng sẽ bị hạ bậc xếp loại năng lực trong danh sách của Bộ GTVT”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Được biết, Bộ GTVT cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Sở GTVT, Giám đốc và Phó giám đốc Ban Quản lý dự án và các trưởng, phó phòng nghiệp vụ liên quan; yêu cầu thu hồi chi phí tư vấn giám sát tương ứng với khối lượng công trình bị hư hỏng đối với các đơn vị tư vấn giám sát dự án.
Lực lượng Tư vấn thiết kế Dự án cũng bị Bộ GTVT chỉ rõ là không vô can đối với các hư hỏng về chất lượng. Các đơn vị này sẽ phải chịu mọi chi phí khắc phục, khảo sát thiết kế lại các hạng mục công việc vi phạm hoặc phải bồi thường toàn bộ kinh phí để xử lý các sai sót. Đồng thời, các đơn vị tư vấn còn bị trừ điểm, hạ bậc xếp hạng theo quy định của Bộ GTVT, Tư vấn trưởng, Chủ nhiệm khảo sát phải kiểm điểm trách nhiệm.
“Đây là không phải là lần đầu tiên, Bộ GTVT có động thái xử lý mạnh tay các vi phạm về chất lượng tại các dự án hạ tầng giao thông”, ông Tống Trần Tùng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT).
Trước đó, sau 3 tháng tiến hành kiểm tra, tổ “cảnh sát chất lượng” do ông Sanh chủ trì đã phát hiện nhiều sai sót về chất lượng.
Theo đó, tại đoạn Quốc lộ 1 từ Đồng Văn đến Phủ Lý (dài 20,1 km) có 4/4 mẫu lớp bê tông nhựa không đạt tiêu chuẩn về thành phần hạt và không đạt hàm lượng nhựa theo công thức pha trộn; 3/4 mẫu không đạt độ rỗng dư và nhiều vị trí móng cấp phối đá dăm không đạt chiều dày, độ đầm nén, thành phần hạt.
Đoạn Phủ Lý - cầu Đoan Vĩ (dài 15,1 km) có 6/8 vị trí không đạt chiều dày móng dưới cấp phối đá dăm, 3/8 vị trí không đạt chiều móng trên cấp phối đá dăm. Với thành phần hạt không đạt về lớp bê tông nhựa là 7/9 và 7/8 mẫu, với lớp cấp phối đá dăm thì tỉ lệ này chiếm 100% số mẫu không đạt; 80-90% mẫu bê tông nhựa không đạt về độ rỗng dư và hàm lượng nhựa.
Tại đoạn Quốc lộ dài 13,6 km qua Ninh Bình, qua kiểm tra 11 vị trí, phát hiện 2-3 vị trí bê tông nhựa và móng cấp phối đá dăm không đạt chiều dày; 90-100% vị trí không đạt thành phần hạt; 4 mẫu cấp phối đá dăm không đạt độ đầm nén, riêng lớp bê tông nhựa có 9/11 mẫu không đạt độ rỗng dư; 11/11 mẫu không đạt hàm lượng nhựa.
Tại đoạn Quốc lộ 1 dài 36,4 km qua Thanh Hoá (từ Dốc Xây đến TP. Thanh Hoá) được lấy mẫu ở 32 vị trí, thì về bê tông nhựa có từ 16 đến 17 vị trí không đạt chiều dày; 26-28 mẫu không đạt thành phần hạt; khoảng một nửa mẫu không đạt độ rỗng dư, hàm lượng nhựa; còn phần móng đá dăm phần lớn không đạt về thành phần hạt và độ đầm nén.
Theo ông Sanh, kết quả đếm xe của cả 3 dự án này cho thấy, xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng, hàng hóa, container, xe khách đều chiếm tỷ trọng trên 50% thành phần dòng xe qua các đoạn Quốc lộ 1 nói trên. Các tuyến đường được thiết kế với tiêu chuẩn chịu tải trọng trục xe là 10 tấn, nhưng đoạn qua Ninh Bình tải trọng trục lớn hơn 12 tấn chiếm trên 23% , tải trọng trục lớn nhất đến 21,81 tấn. Đoạn qua Thanh Hoá xe chở hàng có tải trọng trục lớn hơn 12 tấn chiếm trên 15%, tải trọng trục lớn nhất lên đến 27,23 tấn.
“Vì vậy, mức độ xe chở quá tải cho phép được đánh giá là một trong các nguyên nhân làm hằn lún vệt bánh xe, đặt biệt tại các vị trí bất lợi, như có chất lượng thi công khiếm khuyết, gần nút giao thông...”, ông Sanh nói.
Anh Minh