Đầu tư
Quốc lộ 1A: 200 lễ khởi công, động thổ mới đủ!
Mạnh Bôn - 28/10/2013 08:37
Đồng tình với đề xuất phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014 - 2016, song Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, PGS-TS chuyên ngành giao thông - vận tải Lê Văn Học cho rằng, cần rà soát các tiểu dự án sử dụng nguồn vốn này để cắt giảm ít nhất 15-20% tổng nguồn vốn đầu tư, bởi chỉ riêng Dự án mở rộng Quốc lộ 1A, nếu dự án nào cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục động thổ, khởi công, hợp long, thông xe kỹ thuật, khánh thành, thì ngân sách sẽ phải chi hàng chục tỷ đồng để thực hiện khoảng 200 lễ! Đại biểu Quốc hội lo ngân khố dễ bị vỡ nợ

Đề nghị cắt giảm 15-20% nguồn vốn đầu tư đối với các dự án sử dụng TPCP, có nghĩa là ông cho rằng, việc sử dụng nguồn vốn này vẫn còn lãng phí?

Từ bài học đầu tư các dự án, công trình bằng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2006-2012 có thể thấy, tình trạng sử dụng vốn TPCP kém hiệu quả, lãng phí do đầu tư quá nhiều dự án, công trình.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và
Nhi đồng của Quốc hội, PGS-TS Lê Văn Học

Cụ thể, giai đoạn 2006-2012, chúng ta triển khai 2.682 dự án, với tổng mức đầu tư ban đầu gần 410.000 tỷ đồng, nhưng hết năm 2012 mới hoàn thành 2.029 dự án, trong khi tổng mức đầu tư đã phải điều chỉnh lên 685.000 tỷ đồng.

Trong đó, tổng mức đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực giao thông điều chỉnh tăng 77%; dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp tăng 110%, có nhiều dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp tăng 2-3 lần.

Cá biệt, có dự án tăng tới 8,3 lần, từ tổng mức đầu tư ban đầu 831 tỷ đồng, sau đội giá lên 6.914 tỷ đồng.

Là chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, tôi không thể tưởng tượng được vì sao tổng mức đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn TPCP và vốn ngân sách nhà nước lại tăng “khủng” như vậy.

Chúng ta phải trả giá quá đắt cho việc này, nên dứt khoát phải rà soát, cắt bỏ ít nhất 15-20% tổng mức đầu tư của các dự án sử dụng 170.000 tỷ đồng TPCP trong giai đoạn 3 năm tới.

Theo ông, có thể cắt giảm ở những khoản nào?

Ví dụ, Dự án mở rộng Quốc lộ 1A có tới 40 tiểu dự án, trong đó, nguồn vốn TPCP tham gia 23 dự án với số tiền 50.702 tỷ đồng. Nếu dự án nào cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục động thổ, khởi công, hợp long, thông xe kỹ thuật, khánh thành, thì ngân sách sẽ phải chi hàng chục tỷ đồng để thực hiện khoảng 200 lễ, chưa kể hàng chục tỷ đồng từ nguồn khác chi ăn ở, đi lại, vé máy bay cho hàng ngàn quan khách đến tham gia lễ động thổ, khởi công…

Những khoản chi lãng phí này có cắt được không? Tôi cho rằng, hoàn toàn có thể cắt được, nếu dự án nào thấy cần thiết phải làm lễ động thổ, khởi công…, thì phải thực hiện đúng theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng là tất cả cán bộ, công chức ngành giao thông đi công tác nói chung phải sử dụng máy bay giá rẻ, bất đắc dĩ mới sử dụng vé máy bay hạng thường và nghiêm cấm sử dụng giá vé thương gia.

Số tiền 170.000 tỷ đồng được dùng để đầu tư cho 885 dự án, nên các khoản chi phí “trời ơi” nêu trên rất lớn, nên dứt khoát phải cắt bỏ để giảm tổng mức đầu tư, lấy tiền đầu tư cho các dự án phục vụ dân sinh khác thiết thực hơn.

Tất nhiên, những khoản chi lãng phí, không cần thiết sẽ phải cắt giảm, nhưng cũng khó có thể tiết kiệm được 15-20% như ông đề xuất?

Tôi nghĩ, nếu mạnh dạn rà soát, cắt giảm, có thể còn tiết kiệm được hơn, chứ không phải chỉ có 15-20%.

Đơn cử, năm 2012 - 2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải không chỉ mạnh tay cắt bỏ những khoản chi không cần thiết, mà còn yêu cầu ngành giao thông rà soát lại Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 1A đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành trên tinh thần đầu tư phải phù hợp với tình hình thực tế, như thay cầu dây văng bằng cầu thường, giảm nút giao không cần thiết…

Nhưng không phải dự án nào cũng có thể thay cầu dây văng bằng cầu thường, giảm nút giao không cần thiết… để cắt giảm?

Tất cả dự án đều có thể tiết kiệm được 15-20%, thậm chí 25-30% nếu kiểm tra lại chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án, cách tính nhân công, chi phí thiết bị, máy móc…

Riêng cách tính chi phí nhân công, chi phí thiết bị, máy móc phải tính theo định mức mới, tiêu chuẩn mới, chứ không được áp dụng theo định mức, tiêu chuẩn được ban hành từ thời Xô-viết.

Tin liên quan
Tin khác