Cổ phiếu VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trải qua phiên 12/6 với biên độ giá tương đối rộng khi giảm nhẹ vào buổi sáng trước khi đảo chiều và tăng vọt, đóng cửa với mức tích luỹ 6% so với tham chiếu, lên 19.400 đồng. Đây là mức tăng mạnh nhất trong một phiên của VPB kể từ tháng 3/2023 đến nay, qua đó giúp cổ phiếu này dẫn đầu về biên độ biến động giá trong nhóm ngân hàng. Cổ phiếu này cũng xác lập vùng giá cao nhất của chính mình từ đầu tháng 11/2023 đến nay. Vốn hoá thị trường của ngân hàng hiện đạt hơn 153.000 tỷ đồng.
Đà tăng của VPB được hỗ trợ bởi dòng tiền mạnh. Cụ thể, hôm nay có hơn 69,93 triệu cổ phiếu VPB được sang tay bằng phương thức khớp lệnh, là mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 đến nay. VPB hôm nay đứng đầu về khối lượng giao dịch trên sàn TP HCM, nhiều hơn mã đứng sau là VIX gần 20 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, xét về giá trị sang tay, VPB chỉ đạt 1.308 tỷ đồng, vẫn kém FPT với 1.464 tỷ đồng.
Vùng giá hiện tại của VPB vẫn đang thấp hơn dự báo của một số nhóm phân tích. Điển hình như trong báo cáo cách đây một tuần, Công ty Chứng khoán Vietinbank kỳ vọng giá mục tiêu của VOB là 22.000 đồng. Theo nhóm phân tích này, VPB có 4 động lực hỗ trợ đà tăng giá.
Đầu tiên là kết quả tăng trưởng kinh doanh cải thiện trên nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ. Cụ thể, ngân hàng ghi nhận đạt 3.566 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cải thiện 40,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế dự kiến cả năm 2024 sẽ tăng 115% so với năm trước lên khoảng 23.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng dự kiến tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao so với toàn ngành, ở khoảng 25% (tập trung vào mảng bán lẻ, SME và mảng FDI).
Động lực tăng trưởng thứ hai là FEcredit có lãi trở lại sau hai năm liên tục thua lỗ với mức lãi kỳ vọng khoảng 1.200 tỷ đồng. Hai yếu tố còn lại là nợ xấu có thể cải thiện về mức dưới 3% trong năm nay và dòng tiền duy trì ổn định giúp cho ngân hàng có thể chủ động chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với kế hoạch kéo dài 5 năm.
Với góc nhìn lạc quan hơn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự phóng giá mục tiêu 12 tháng tới của VPB là 22.800 đồng. Nhìn chung về ngành ngân hàng, chuyên gia của Mirae Asset Việt Nam cho biết tổng lợi nhuận trước thuế năm nay kỳ vọng tăng khoảng 35,5% so với năm ngoái, tương đương mức tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2021-2022.
“Thông thường, đa phần các ngân hàng sẽ đặt mục tiêu vừa tầm với khả năng hoàn thành cao (các ngân hàng thường vượt mục tiêu của họ từ 3-7% trong những năm trước), ngoại trừ năm 2023 là một trường hợp khá đặc biệt mặc dù đã lên kế hoạch khá thận trọng”, chuyên gia nhận định.
Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận bao gồm chi phí hoạt động ổn định, do hầu hết các ngân hàng đã ước tính chi phí đầu tư công nghệ và tinh giản nhân lực để tối ưu hóa chi phí. Trong khi chi phí dự phòng dù khó giảm trong năm 2024 nhưng đa phần các ngân hàng đã thích nghi với "bình thường mới“, nên lợi nhuận sẽ không chịu quá nhiều áp lực. Ngoài ra, khả năng cao là Thông tư 02 sẽ được gia hạn cũng như nhiều ngân hàng tái tận dụng công cụ trái phiếu đặc biệt (VAMC) nếu nhận thấy việc trích lập dự phòng trong thời gian dài hơn khi để trong nội bảng là cần thiết.
Về phía thu nhập, tăng trưởng tín dụng ổn định và dự kiến NIM vẫn còn dư địa phục hồi là động lực tốt cho kỳ vọng tăng trưởng thu nhập, trong khi các nguồn thu nhập ngoài lãi đóng vai trò là nhân tố tiềm năng thúc đẩy lợi nhuận đối với các ngân hàng.
“Diễn biến giá của ngành ngân hàng tích cực hơn so với mặt bằng chung (VN-Index) phản ánh triển vọng hồi phục của nhóm này tốt hơn so với đa phần các ngành khác. Tuy nhiên, việc nhóm nhà đầu tư ngoại liên tục rút ròng do nhiều yếu tố khách quan cũng ảnh hưởng đến tiềm năng tăng giá của nhóm ngân hàng vì tỷ trọng sở hữu của khối ngoại trong ngành ngân hàng khá cao”, chuyên gia Mirae Asset cho hay.