Thông lệ, các kỳ họp Quốc hội cuối năm, một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất là khả năng đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm nay, cũng như kế hoạch năm tới như thế nào. Tuy nhiên, trong hiện tại, khi mà Việt Nam đang ở chặng đường cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, và chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm tiếp theo, thì điều quan trọng là phải “mổ xẻ” để làm rõ vì sao không hoàn thành kế hoạch 5 năm, từ đó tránh lặp lại và có giải pháp khắc phục trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
Thẳng thắn thừa nhận yếu kém
Cũng từ xuất phát điểm như vậy, nên ngay sau lời phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - như thông lệ - đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Và trong báo cáo của người đứng đầu Chính phủ, năm 2015 cũng như năm 2016 chỉ xuất hiện với tư cách là một phần của câu chuyện kinh tế trong 5 năm đã qua 2011 -2015, cũng như 5 năm sắp tới 2016 - 2020.
Đây là lúc phải “mổ xẻ” để làm rõ vì sao không hoàn thành kế hoạch 5 năm, từ đó tránh lặp lại và có giải pháp khắc phục trong năm 2016 và các năm tiếp theo |
“Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); đưa tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói và cho biết, triển vọng kinh tế năm 2016, tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6,7%, trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả giai đoạn 2016 - 2020 là 6,5 - 7%.
Mức tăng trưởng bình quân 5,9% trong 5 năm qua tuy đã cao hơn so với dự báo trước đây (5,8%), do tăng trưởng GDP năm 2015 vượt mục tiêu 6,2%, song vẫn “thấp hơn mục tiêu đề ra”. Và đây chính là một trong 9 hạn chế, yếu kém của nền kinh tế đã được người đứng đầu Chính phủ thừa nhận trước Quốc hội.
Đó là kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, bội chi còn cao, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm...
Liên quan tới các điểm yếu này, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khi phát biểu trước Quốc hội cũng đã bày tỏ sự lo ngại trước việc tăng trưởng GDP bình quân 5 năm thấp hơn giai đoạn trước và không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Mặc dù vậy, cũng phải nhắc lại một câu chuyện từ 5 năm trước đây, đó là khi kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, đã có nhiều dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới sau năm 2010. Vào thời điểm đó, ban đầu, mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn này được đặt ra là 6,5 - 7%, song sau những biến động bất lợi của kinh tế thế giới và trong nước đầu năm 2011, Chính phủ đã quyết định chuyển hướng chính sách và điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuống 6 - 6,5%, với ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô.
Xét trên khía cạnh ấy, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thành quả của nền kinh tế trong 5 năm qua rất đáng ghi nhận, khi lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. “Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; tỷ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; khắc phục một bước quan trọng tình trạng đô-la hoá, vàng hoá trong nền kinh tế”, Thủ tướng khẳng định.
Mổ xẻ toàn diện nền kinh tế
Như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các chuyên gia kinh tế cũng đã thừa nhận sự hồi phục tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Các đánh giá của các định chế tài chính quốc tế như IMF, ADB, WB... cũng đều đã ghi nhận điều này, thậm chí còn coi Việt Nam là một điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi trao đổi với báo chí cũng đã nhấn mạnh việc nền kinh tế tăng trưởng liên tục trong những năm qua đã cho thấy kinh tế Việt Nam đang dần rời xa khủng hoảng.
Số liệu thống kê đã khẳng định điều này. Đó là tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 6,24%; năm 2012 tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%; năm 2014 tăng 5,98% và năm 2015 tăng trên 6,5%. “Nhưng nếu nhìn vào những điểm yếu như tỷ lệ bội chi cao, phát hành trái phiếu chính phủ có vấn đề, nhập siêu đã quay trở lại trong năm 2015 sau 3 năm xuất siêu liên tiếp…, thì có thể thấy, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, chưa bền vững”, ông Kiên bình luận và cho rằng, điều quan trọng ở thời điểm hiện nay là phải mổ xẻ toàn diện nền kinh tế, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Dù 9 điểm yếu của nền kinh tế đã được chỉ ra, song nguyên nhân là ở đâu? Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi báo cáo trước Quốc hội ngày hôm qua đã thừa nhận những nguyên nhân xuất phát từ việc nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thậm chí, Thủ tướng cũng đã đề cập nguyên nhân là phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội chưa thật phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế...
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, cần mổ xẻ cận cảnh hơn nữa nền kinh tế, từ vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính còn chậm, đến thực hiện các đột phá chiến lược chưa hiệu quả, hay nói tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng bước đi chưa được bao xa...
Phát biểu trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cũng đã nhắc đến việc 5 năm qua, dù đã thực hiện sắp xếp được 447 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 337 doanh nghiệp, nhưng thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính chỉ đạt 8.390 tỷ/21.797 tỷ đồng. “Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ, nhưng kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm, một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao”, ông Giàu lo ngại.
Cũng theo ông Giàu, dù tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng được cho là đã có những tiến bộ đáng kể, giảm dần được số lượng các ngân hàng yếu kém, nhưng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa thực sự hiệu quả, các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu kể cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
“Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn thì xử lý nợ xấu khó mang lại tính bền vững. Có ý kiến đề nghị đánh giá hoạt động của VAMC và cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng phải công khai, minh bạch”, ông Giàu nói.
Chưa kể, còn hàng loạt vấn đề liên quan đến mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, kinh tế vùng, về mối tương quan giữa không gian phát triển kinh tế và không gian hành chính..., cũng được cho là cần phải được mổ xẻ một cách toàn diện.
Bên cạnh đó, còn là câu chuyện về cơ hội và thách thức do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, mà tại kỳ họp này Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.
Tại phiên họp ngày hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh việc thực hiện TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhưng thành công hay không còn tùy thuộc rất lớn vào sự nỗ lực phấn đấu nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Nhiệm vụ nặng nề
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII mới chỉ bắt đầu được một ngày. Trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh “nhiệm vụ đặt ra thật nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao” của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.
Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian và công sức tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện chu đáo các nội dung trình Quốc hội theo chương trình, tiến độ đã xác định; đồng thời đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Điều này có nghĩa, vẫn còn 30 ngày nữa để các đại biểu Quốc hội mổ xẻ toàn diện nền kinh tế, từ đó thống nhất tư tưởng và hành động, có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.