Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội tại phiên bế mạc. Ảnh: Quang Vinh |
Hôm nay (3/2) kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021), cũng là những ngày làm việc đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, gồm 180 đồng chí ủy viên chính thức và 20 đồng chí ủy viên dự khuyết.
Rất có thể trên bàn làm việc của các ủy viên là chồng chất thông tin về sự tái bùng phát phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều địa phương, về các đề xuất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp an tâm chuẩn bị đón Tết Tân Sửu... và cả bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục khó lường chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp vẫn muốn đặt thêm, đặt rõ trọng trách, yêu cầu tới những người sẽ nắm các vị trí lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ mới, khi họ cũng vừa là các đại biểu tham dự Đại hội Đảng XIII, vừa bỏ phiếu thông qua mục tiêu quan trọng của đất nước.
Điều này có nghĩa, Đại hội kết thúc rất thành công mới chỉ là một bước.
Ngay trong bài phát biểu bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến điều này.
Ông nói, thành công của Đại hội không phải ở chỗ thông qua được Nghị quyết, bầu được Ban Chấp hành mới, mà là đưa Nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến thành các chương trình hành động thực tế ra sao.
“Có làm được hay không, có biến thành của cải vật chất hay không, có mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của Đại hội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trước toàn thể Đại hội XIII, với hơn 1.500 đại biểu tham dự.
Trong bài phát biểu bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhắc ngay đến công việc ngay sau Đại hội. Theo đó, ông yêu cầu, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Điều này cực kỳ quan trọng. Thực tế những chậm trễ trong hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hóa có nguyên do ở khâu thực hiện. Lý do của việc chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... cũng có nguyên nhân chính là chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn yếu, chậm được khắc phục..
Một trong 5 bài học rút ra từ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc đến trong phiên khai mạc cũng là tổ chức, thực hiện, yêu cầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực; có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc...
Phải nói thêm, trong Nghị quyết Đại hội XIII, các chỉ tiêu kinh tế cụ thể được thông qua ở mức được cho là nhiều tham vọng trong bối cảnh hiện tại, việc thực hiện được sẽ là thách thức không nhỏ với các nhà lãnh đạo mới. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm 2021-2025 là 6,5-7%/năm; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP...
Sẽ không thừa khi nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ngay trong phiên bế mạc Đại hội. Đó là phải có chương trình, kế hoạch cụ thể từ trên xuống dưới, lãnh đạo sâu sát, cụ thể, quyết liệt, kiểm tra đôn đốc thường xuyên, kịp thời khen thưởng người thực hiện tốt, phê bình, thậm chí kỷ luật những người làm sai, làm hỏng, làm trái nghị quyết của Đảng. Tinh thần trên mới là quan trọng và khi đó, Đại hội mới thực sự thành công.