Tổ hợp Luyện cán thép Hòa Phát - Dung Quất được xem là một trong những dấu mốc thành công trong thu hút đầu tư của Quảng Ngãi. |
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, xuất phát điểm thấp, bằng tư duy nhạy bén, các quyết sách táo bạo của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, sự định hướng, hỗ trợ kịp thời từ Trung ương, Quảng Ngãi không những đã thoát nghèo, mà còn vươn lên thành một trong những địa phương trong top đầu cả nước về thu ngân sách.
Xin ông cho biết những dấu mốc quan trọng trong thu hút đầu tư của Quảng Ngãi?
Có thể nói, quy mô và cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi có sự thay đổi lớn sau khi tỉnh thu hút đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất những năm 1990 và đi vào hoạt động năm 2009. Từ khi Nhà máy đi vào sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách của Quảng Ngãi từ hơn 2.800 tỷ đồng năm 2008 liên tục tăng qua các năm, riêng năm 2019 ước đạt 20.000 tỷ đồng.
Từ bước ngoặt này, nhiều dự án, nhà đầu tư đã đến với Quảng Ngãi, tạo nên bức tranh sinh động, đa dạng, phong phú và hùng hậu với gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao. Trong đó, nổi bật là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Sản xuất hạt nhựa Polypropylen, Nhà máy Sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Doosan Vina…
Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, Quảng Ngãi đã xây dựng thành công các khu công nghiệp: Quảng Phú, Tịnh Phong, VSIP và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất. Từ đây, tạo cú hích cho sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Quảng Ngãi đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030, thưa ông?
Bên cạnh các dự án công nghiệp hiện hữu như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Doosan Vina, Hòa Phát - Dung Quất…, tỉnh Quảng Ngãi đang tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác trong nước và nước ngoài, đặc biệt là những nước có nền công nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều đoàn cấp cao đi trao đổi, tìm hiểu, vận động, quảng bá, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài... Nhờ tập trung đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, năm 2018, Quảng Ngãi đã đón tiếp và làm việc với hơn 140 đoàn doanh nghiệp đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có các nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 63 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 1,77 tỷ USD, trong đó, có 31/63 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 18.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã tổ chức trao và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 349 triệu USD.
Đi kèm với tiếp cận thị trường, mời gọi nhà đầu tư, Quảng Ngãi đồng hành với doanh nghiệp và nhà đầu tư như thế nào để họ yên tâm làm ăn, mở rộng sản xuất?
Với phương châm luôn gần gũi, lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ổn định, phát triển bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Quảng Ngãi luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, xem thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh.
Chủ trương này đã tạo được hiệu ứng tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, sau hơn 2 năm từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp, bước đầu, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương được cải thiện đáng kể, kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp ngày càng tăng; hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng; phong trào khởi nghiệp có những thành công nhất định, tạo hiệu ứng mạnh mẽ và lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.
Hiện nay, Quảng Ngãi đang thực hiện chủ đề “Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; huy động nguồn lực xã hội; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”. Thông điệp mà lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi muốn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp là: Quảng Ngãi luôn xác định doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Quảng Ngãi đã vận dụng tối đa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở; tăng cường đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp và nhà đầu tư… Tuy nhiên, các doanh nghiệp, doanh nhân cần tranh thủ nắm bắt cơ hội, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thực hiện mục tiêu làm giàu chính đáng cho doanh nghiệp và xã hội.
Thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm nào để đẩy mạnh thu hút đầu tư, thưa ông?
Thời gian tới, Quảng Ngãi tập trung quyết liệt thực hiện 3 nhiệm trọng tâm, đây cũng là các lĩnh vực, ngành mà Quảng Ngãi sẽ chú trọng thu hút đầu tư. Đó là phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và 3 nhiệm vụ đột phá: phát triển công nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trước mắt, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, xây dựng và đưa các công trình, dự án trọng điểm vào hoạt động như: Dư án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát - Dung Quất...
Bên cạnh đó, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án: cầu Cửa Đại; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 24B, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đường Trì Bình - Dung Quất, cảng Bến Đình, kè chắn cát cảng Dung Quất giai đoạn 2, bến cảng tổng hợp Container Hòa Phát - Dung Quất…
Quảng Ngãi ủng hộ tối đa cho nhà đầu tư.
Ông Gil Farias, Tổng giám đốc Công ty Hoya Lens Việt Nam (Dự án đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi)
Điểm thuận lợi khi đầu tư vào Quảng Ngãi là sự ủng hộ tối đa của địa phương cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, giá cho thuê đất và giá nhân công lao động cũng phù hợp với doanh nghiệp. Quan trọng hơn, từ những lợi thế đó, sản phẩm của chúng tôi có thể cạnh tranh được với thế giới.
Thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản.
Ông Trần Ngọc Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Đất Xanh Miền Trung
Quảng Ngãi là địa phương khá thành công trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp công nghệ cao. Nguồn nhân lực của Quảng Ngãi cũng khá dồi dào, đồng đều và tương đối rẻ. Các khu kinh tế, khu công nghiệp được quy hoạch và xây dựng bài bản đã thu hút được các nhà đầu tư, kéo theo nguồn lao động đông đảo. Đây chính là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản.
Đất Xanh Miền Trung đang triển khai các dự án tại Quảng Ngãi và nhận được sự ủng hộ, đồng hành nhiệt tình, có trách nhiệm của các sở, ban, ngành. Với những nỗ lực về cải cách hành chính mà Quảng Ngãi đang đẩy mạnh triển khai, địa phương này còn tiến nhanh, tiến mạnh và có khả năng vươn lên dẫn đầu về các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản du lịch.
Nhiều tiềm năng phát triển.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát
Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Trong quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi sẽ trở thành khu kinh tế quan trọng với trọng tâm là công nghiệp lọc, hóa dầu, công nghiệp nặng có quy mô lớn như cơ khí, luyện kim, cán thép, đóng tàu và công nghiệp phụ trợ.