Theo số lượng thống kê ban đầu, cơn bão đã làm 1 người bị thương, 753 nhà bị tốc mái, 14 nhà bị sập, 2.973 ha lúa bị ngập, đổ, 748 ha mía bị đổ nghiêng, 1 hồ đập nhỏ bị vỡ, 2,6 km sạt lở bờ biển Sầm Sơn, 135 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn...
| ||
Người nông dân tranh thủ lượm nhặt sau bão mang bán |
Chiều 8/8, Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn có mặt tại huyện Hậu Lộc – địa phương được coi là có con số thiệt hại lớn nhất do cơn bão số 6 gây ra tại Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: huyện có 1 người bị thương do bão gây ra; về tài sản, con số thông kê tạm tính, huyện Hậu Lộc có 2.672ha diện tích lúa bị ngã đổ (chiếm hơn 40% diện tích cả huyện, trong đó có 590ha lúa đang trổ bông); 452ha ngô bị đổ gãy; 453ha rau màu hàng hóa các loại bị dập đổ, nát; gãy đổ khoảng 27.000 cây lâu năm và cây ăn quả; riêng vùng đầm nuôi ngao có hơn 30 chòi canh bị sập (ở hai xã Đa Lộc và Hải Lộc), lượng ngao nuôi dưới bãi bị dồn (gây thất thiệt một phần); nhà cửa vật kiến trúc bị sập một phần 11 ngôi nhà cấp 4 và nhà không kiên cố, hơn 200 nhà lợp mái tôn và mái pro xi măng bị tốc mái và hơn 5000 md tường rào bị đổ sập; gãy hai cột điện cao thế và 10 cột điện hạ thế; viễn thông đứt cáp quang truyền dẫn khoảng 30.000m; tắc ngẽn khoảng hơn 4.000 liên lạc; hao tổn hơn 5.000 lít nhiên liệu;…
3 thủy thủ trên Xà lan trôi dạt đã an toàn |
Tương tự, thông tin nhanh từ hai huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa cho biết, số nhà bị tốc mái là 458 ngôi nhà; đổ gãy 64 cột điện; 1 trạm BTS; hơn 10.000 cây lâu năm và cây ăn quả; hàng ngàn héc ta ngô, đậu tương, hoa màu các loại;…
Như thông tin Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn đã đưa, khoảng 15 giờ ngày 7/8, trong lúc đang làm nhiệm vụ nạo vét cảng nước sâu Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa, một chiếc xà lan nặng 1.800 tấn đã bị đứt dây neo trôi ra biển. Lúc đó trên xa làn có 3 thủy thủ. Khoảng 5h sáng nay (8/8) các lực lượng cứu hộ đã tập trung phối hợp tìm kiếm. Sau 5 giờ đồng hồ, tàu và lưc lượng cứu hộ đã tiếp cận được Xà Lan, nhanh chóng cứu được 03 thuyền viên và đưa vào bờ an toàn.
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, ngay sau bão, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiệu tiêu úng, cứu lúa; khắc phục sự cố hư hỏng đê điều, hồ đập; tu sửa nhà cửa, giải phóng ách tắc giao thông; chuẩn bị giống các loại để mở rộng sản xuất vụ đông, bù lại diện tích bị thiệt hại do mưa, bão gây ra...
Sĩ Chức