Tất cả các dự án nêu trên đều tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm nhà máy nhiệt điện, cảng biển, khu đô thị và các dự án nuôi bò sữa.
| ||
Trong đó, phải kể đến Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có công suất 1.200 MW, do liên doanh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) đầu tư với tổng vốn 2,3 tỷ USD; hay Dự án Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao Thọ Xuân, do Viettel đầu tư, với tổng vốn 174 triệu USD...
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, đây là bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả các vùng lân cận nói chung.
Còn bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, các dự án được cấp giấy chứng nhận và ký kết thỏa thuận đầu tư tại Diễn đàn cho thấy tiềm năng to lớn của Thanh Hóa trong thu hút đầu tư tư nhân. “Đóng góp của đầu tư tư nhân đối với sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới là rất lớn”, bà Kwakwa nhận định.
Đến thời điểm này, dự án lớn nhất tại Thanh Hóa là Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn do liên doanh giữa Petro Việt Nam, Idemitsu Kosan, Mitsui Chemicals và Kuwait Petroleum International đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm. Sau khi được đưa vào vận hành thương mại trong năm 2017, tổ hợp này, cùng với nhà máy lọc dầu Dung Quất, sẽ đáp ứng được 2/3 nhu cầu về các sản phẩm lọc hóa dầu tại thị trường Việt Nam.
Hiện tại, Khu kinh tế Nghi Sơn là một trong 5 khu kinh tế của cả nước được ưu tiên hàng đầu. Các nhà đầu tư đều đánh giá rằng, các khoản đầu tư lớn tạo cơ hội cho tỉnh Thanh Hoá được hưởng lợi cả từ sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các ngành công nghiệp phụ trợ khác, cũng như đem lại tiềm năng phát triển cho những ngành công nghiệp hạ nguồn liên quan đến các hoạt động lọc dầu.
Nhưng yếu tố chính thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các vùng phụ cận là sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh cùng những lợi thế cơ bản của địa phương, như nguồn lao động dồi dào, sự kết nối giao thông thuận tiện với các địa phương khác.
“Môi trường đầu tư hấp dẫn tại Thanh Hóa là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh và Chính phủ”, ông Kazutoshi Shimura, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn nói.
Đồng tình với nhận định trên, ông Kim Young Jin, Tổng giám đốc Công ty Winners Vina (Hàn Quốc) cũng cho biết, sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh được coi là chìa khóa giúp Công ty hoạt động thành công tại Thanh Hóa.
“Khi bắt đầu triển khai hoạt động đầu tư tại Thanh Hóa, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền và các cơ quan liên quan của tỉnh. Các thủ tục đầu tư đều được thực hiện nhanh chóng và thuận tiện”, ông Jin nói và cho biết, với giá trị xuất khẩu trung bình 40 triệu USD sang thị trường Mỹ trong hai năm qua, Winners Vina đang cân nhắc việc mở rộng hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa.
Ngọc Linh