Đó là quan điểm nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời là thông điệp tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận - diễn đàn xúc tiến đầu tư cấp quốc gia đầu tiên được tổ chức tại Thanh Hoá, nhân dịp khởi công xây dựng Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
| ||
Ông Trịnh Văn Chiến, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa |
Đến với vùng đất có thể ví như một “Việt Nam thu nhỏ”
Thanh Hóa nằm ở cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ khoảng 150 km về phía Nam, có đường biên giới dài 192 km, bờ biển dài 102 km; diện tích tự nhiên 11.116 km2, được chia thành 27 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố và 2 thị xã; dân số 3,45 triệu người, là tỉnh đông dân thứ 3 trong cả nước, sau Hà Nội và TP.HCM.
Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tỉnh Thanh Hoá luôn giữ vai trò quan trọng cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá, được biết đến như là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”.
Thanh Hóa hội tụ các điều kiện tiềm năng về tự nhiên, địa hình, văn hóa, con người, lịch sử và truyền thống cách mạng, bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa mang tính đặc trưng của Việt Nam, là điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững.
Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn giữ được nhiều di tích có giá trị, như di chỉ văn hóa núi Đọ từ thời đồ đá cũ, Đền Bà Triệu, Khu di tích Lam Kinh; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và độc đáo như bãi biển Sầm Sơn, Vườn Quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ...
Tỉnh Thanh Hoá có thể ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái, đó là: đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển, với nguồn tài nguyên phong phú về đất, rừng, biển, cùng với thời tiết, khí hậu thuận lợi cho phát triển sản xuất các loại nông sản hàng hoá tập trung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, như lúa, mía đường, cao su, luồng, các loại gỗ, các sản phẩm thuỷ sản…
Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều tài nguyên khoáng sản, trong đó một số loại có trữ lượng lớn so với cả nước như đá granit và marble (trữ lượng 2 - 3 tỷ m3), đá vôi làm xi măng (trên 370 triệu tấn), sét làm xi măng (khoảng 85 triệu tấn), crôm (khoảng 21 triệu tấn) và nhiều loại tài nguyên khác, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, công nghiệp lọc hoá dầu và sau lọc hoá dầu.
Giao thông thuận tiện, hạ tầng kỹ thuật - kinh tế - xã hội đồng bộ
Thanh Hoá có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; có cửa khẩu quốc tế với nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào; có cảng nước sâu Nghi Sơn hiện có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn, quy hoạch trong tương lai có thể tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung Bộ và cả miền Bắc.
Việc khánh thành Cảng hàng không Thọ Xuân và khai trương đường bay Thanh Hóa - TP.HCM trong tháng 2/2013 đã rút ngắn khoảng cách đi lại giữa Thanh Hóa với các trung tâm kinh tế năng động. Trong thời gian tới, sẽ nâng tần suất chuyến bay đến TP.HCM lên 10 chuyến/tuần và dự kiến mở thêm đường bay đi các thành phố lớn khác của Việt Nam, như Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột... và các tuyến bay quốc tế.
Cùng với hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, thuận lợi cho đi lại, giao thương; hạ tầng điện, nước, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế được đáp ứng đầy đủ; mạng lưới ngân hàng, dịch vụ tài chính đa dạng, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.
| ||
Việc khai mở sân bay Thọ Xuân được đánh giá là một trong những động lực giúp Thanh Hóa cất cánh |
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện đáng kể, nhiều dự án trọng điểm được triển khai xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng, như mở rộng Cảng Nghi Sơn; Thủy điện Bá Thước II; Nhiệt điện Nghi Sơn; các tuyến đường phía Tây; mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Bỉm Sơn đến TP. Thanh Hóa, hạ tầng Sân bay Thọ Xuân và đang tiếp tục triển khai nâng cấp Quốc lộ 217, Quốc lộ 15A; nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn từ Khu Kinh tế Nghi Sơn đi Nghệ An; xây dựng cầu Nguyệt Viên qua sông Mã; xây dựng đường giao thông từ Quốc lộ 47 đến đường Hồ Chí Minh…
Thanh Hóa cũng đã quy hoạch và hình thành 5 khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung. Trong đó, lớn nhất là Khu Kinh tế Nghi Sơn, diện tích 18.600 ha (diện tích đất công nghiệp gần 3.000 ha) - là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm của Việt Nam được Chính phủ ưu tiên đầu tư cao nhất, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn nhất trong cả nước.
Có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đặc biệt là có Cảng nước sâu Nghi Sơn, đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản.
Ngoài ra, còn có 4 khu công nghiệp đã được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, bố trí tại phía Bắc, phía Nam và phía Tây tỉnh Thanh Hóa, bao gồm: Khu công nghiệp Bỉm Sơn, diện tích 566 ha; Khu công nghiệp Hoàng Long, diện tích 286 ha; Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, diện tích 160 ha; Khu công nghiệp Lễ Môn, diện tích gần 90 ha. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nghiên cứu quy hoạch Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, diện tích khoảng 2.000 ha, với định hướng thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao.
Chính sách ưu đãi hấp dẫn
Khi đầu tư vào Thanh Hóa, nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh sẽ được hưởng các mức ưu đãi vượt trội về đất đai, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
Có thể nói, Thanh Hóa là một địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người mến khách, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và thực sự cầu thị. Mong muốn lớn nhất của tỉnh là kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá.
Trong thời gian tới, Thanh Hoá đề ra mục tiêu nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2015 đạt mức thu nhập bình quân của cả nước, đến năm 2020, trở thành một trong những tỉnh tiên tiến với cơ cấu kinh tế hợp lý, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - kỹ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trên các lĩnh vực, tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng hơn; giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; bảo đảm an ninh trật tự; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
(*) Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Trịnh Văn Chiến (*)