VN-Index kết phiên trước ở mức 1.263,79 điểm, tương ứng giảm 0,1%, khối lượng giao dịch giảm 2,4% và chỉ bằng 65% mức trung bình. Bước vào phiên giao dịch ngày 17/12, các chỉ số chỉ nhích lên trên mốc tham chiếu trong một thời gian khá ngắn. Áp lực bán dù không bị đẩy lên mức quá cao nhưng vì lực cầu rất yếu nên các chỉ số nhanh chóng đảo chiều. VN-Index có đôi lúc hồi phục nhưng dòng tiền nhìn chung vẫn quá yếu nên chỉ số nhanh chóng giảm trở lại. Giao dịch diễn ra ì ạch trên nền thanh khoản thấp, các lệnh mua bán giằng co nhau ở mức giá chênh lệch lớn, chưa có dấu hiệu cải thiện.
Phiên chiều diễn ra với sự giằng co mạnh ở dưới mốc tham chiếu của VN-Index và HNX-Index. Tương tự như các phiên trước, thị trường vẫn theo chiều tích lũy đi xuống. Sắc đỏ vẫn lấn át hơn ở bảng điện tử và tạo áp lực lớn lên thị trường chung. Thị trường đi xuống với thanh khoản thấp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,07 điểm, tương ứng giảm 0,16% xuống 1.261,72 điểm. HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,07%) xuống 226,89 điểm. UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (0,14%) lên 92,77 điểm.
Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index |
Tính toàn thị trường ghi nhận 324 mã tăng, 352 mã giảm và 897 mã đứng giá/không giao dịch. Số mã tăng trần là 21 trong khi cũng có 18 mã giảm sàn. Riêng sàn HoSE, phiên hôm nay có đến 232 mã giảm trong khi có 147 mã tăng và 78 mã đứng giá.
Tương tự như các phiên trước, thị trường cũng không có quá nhiều nhóm ngành nổi trội. Sắc đỏ chiếm ưu thế ở đa phần các nhóm ngành cổ phiếu trong phiên hôm nay.
Tại nhóm VN30 phiên hôm nay ghi nhận đến 19 mã giảm, trong khi chỉ có 5 mã tăng giá. Trong đó, FPT, MWG, VPB, VRE, VNM… đều có mức giảm khá mạnh. FPT giảm đến 1,27% và là mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi 0,67 điểm. FPT giảm khá mạnh do áp lực đến từ khối ngoại, cổ phiếu này bị bán ròng đến gần 2,1 triệu đơn vị. Mới đây, FPT đã công bố kết quả kinh doanh tháng 11 với doanh thu đạt 56.404 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 10.239 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,5% và 19,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) ghi nhận mức tăng 21,1% lên 7.302 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 4.995 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, MWG giảm 1,15% và đứng thứ ba trong danh sách tác động xấu đến VN-Index với 0,25 điểm. VPB giảm 0,79% và lấy đi 0,29 điểm của chỉ số này.
Ở chiều ngược lại, VHM, VTP, KDH… là các mã giữ có mức ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. VHM tăng 0,85% và đóng góp cho chỉ số này 0,35 điểm. VTP cũng tăng 2,5% và đóng góp 0,1 điểm. Bên cạnh VTP, hai cổ phiếu cùng “họ” Viettel là VGI và VTK cũng tăng khá tốt ở phiên hôm nay.
Dòng tiền tiếp tục luân chuyển qua lại các cổ phiếu vừa và nhỏ, với những cái tên nổi bật như ABS, PAC, GSP, HVH, YEG… Các cổ phiếu này đều nhận được lực cầu tốt và kéo lên mức giá trần. Tại nhóm phân bón hóa chất, DDV tăng mạnh 3,7%, CSV tăng 0,24%, DGC tăng 0,43%, LAS tăng 0,95%.
FPT trở thành tâm điểm bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài |
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 502 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 12.086 tỷ đồng, giảm 5,7% so với phiên trước đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 3.366 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 605 tỷ đồng và 1.100 tỷ đồng.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 763 tỷ đồng trên toàn thị trường. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã FPT với 312 tỷ đồng. MWG đứng sau với giá trị bán ròng là 80 tỷ đồng. NLG và HPG bị bán ròng lần lượt 63 tỷ đồng và 57 tỷ đồng. Chiều ngược lại, SIP được mua ròng mạnh nhất với 35 tỷ đồng. VHM cũng được mua ròng 33 tỷ đồng.