Đầu tư
Thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Hà Nguyễn - 04/05/2022 14:28
Các tổ công tác này sẽ đi kiểm tra, đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công ở những đơn vị chưa phân bổ hết vốn kế hoạch năm 2022 và có tỷ lệ giải ngân thấp.
Ước 4 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Theo đó, các tổ công tác này sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, đốc thúc tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Cụ thể, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó thủ tướng  Lê Văn Thành sẽ làm Tổ trưởng các tổ công tác số 1, 2, 3 và 4.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ làm Tổ trưởng Tổ công tác số 5, đi kiểm tra các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam.

Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước.

Bên cạnh đó, theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Thường trực các Tổ công tác do Lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, có trách nhiệm giúp Tổ trưởng xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị của Tổ công tác.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công.

Đồng thời, đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các Tổ công tác cũng sẽ xem xét trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công tại từng bộ ngành, địa phương; đồng thời xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu…

Các tổ công tác sẽ báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Trước đó, báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, ước 4 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%). Trong đó, vốn trong nước đạt 19,57%, vốn nước ngoài đạt 3,25%.

Có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Tuy nhiên, có 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Trong khi đó, tổng số vốn đã phân bổ là 519.838 tỷ đồng, đạt 100,33% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Trong số này, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 41.994,149 tỷ đồng.

Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 40.261,217 tỷ đồng, chiếm 7,77% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Hiện, theo Bộ Tài chính, có 12/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tin liên quan
Tin khác