Ảnh minh hoạ. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” .
Đoàn giám sát do ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng Đoàn và 18 thành viên khác đến từ các cơ quan của Quốc hội, một số đoàn đại biểu Quốc hội.
Một vị Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một vị Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội là đại biểu mời tham gia đoàn giám sát.
Nghị quyết nêu rõ, phạm vi giám sát là việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên phạm vi cả nước (từ thời điểm Nghị quyết số 88/2014/QH13 có hiệu lực thi hành).
Đối tượng giám sát gồm Chính phủ và các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nội dung giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; kiến nghị giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Kết quả giám sát được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và gửi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Liên quan đến sách giáo khoa, khi thảo luận để chọn chuyên đề giám sát tại Quốc hội, một số vị đại biểu cho biết, cử tri đang rất bức xúc vì chương trình giáo dục phổ thông có điểm không phù hợp, sách giáo khoa thì còn in sai, một số nội dung không phù hợp.
Đại biểu Quốc hội cũng khẳng định những bất cập trong Thông tư số 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lựa chọn sách giáo khoa dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục; vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn sách giáo khoa để bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Thậm chí đã có câu hỏi: “Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?”.