Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố 16 bị can liên quan đến vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế”, xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, Thái Bình và một số tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, Cơ quan điều tra đã ra các Quyết định khởi tố đối với 16 bị can, trong đó có Lê Thanh Phúc (sinh năm 1996); Nguyễn Hoài Sơn (sinh năm 1997); Đường Trung Trực (sinh năm 1999); Hồng Minh Đạt (sinh năm 1995); Tưởng Thanh Tri (sinh năm 1999), cùng trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, để điều tra về các hành vi “Trốn thuế” và “Mua bán trái phép hóa đơn”, quy định tại Điều 200, Điều 203 Bộ luật Hình sự.
Các đối tượng trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn lên tới hơn 3.200 tỷ đồng. Ảnh: CAHB |
Kết quả điều tra bước đầu xác định, các đối tượng có sự phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các thành viên trong nhóm, liên lạc giữa các thành viên chủ yếu qua các ứng dụng Zalo, Viber, Telegram mà ít khi gặp mặt trực tiếp, do vậy khó khăn cho việc xác minh các đối tượng liên quan.
Trong trường hợp hành vi phạm tội của một đối tượng mua bán trái phép hóa đơn bị phát hiện, các đối tượng còn lại sẽ thu hồi tin nhắn hoặc tiêu hủy chứng cứ là các thiết bị điện tử, gây khó khăn cho việc xác định các đối tượng khác trong nhóm mua bán hóa đơn.
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng lợi dụng các quy định của Nhà nước về đăng ký thành lập doanh nghiệp online, không phải trực tiếp đến các cơ quan quản lý để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, mà chỉ cần nộp hồ sơ qua mạng internet.
Từ đó, các đối tượng đã sử dụng nhiều giấy Chứng minh nhân dân của người khác hoặc giấy Chứng minh nhân dân giả để đăng ký thành lập doanh nghiệp; phát hành, sử dụng hoá đơn điện tử và các quy định của Nhà nước về khấu trừ thuế giá trị gia tăng để thực hiện hành vi mua bán trái phép hoá đơn và trốn thuế.
Để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại “rác” để liên lạc; mở nhiều tài khoản ngân hàng để thực hiện việc giao dịch; thuê người khác mở tài khoản để sử dụng cho việc chuyển tiền, gây khó khăn cho việc xác minh, truy bắt của cơ quan chức năng.
Theo điều tra, tính từ năm 2020 đến tháng 9/2023, các đối tượng đã thành lập 64 công ty “ma”, xuất trái phép 140.024 hóa đơn điện tử. Trong đó, có 76.561 hóa đơn xuất cho gần 9.000 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cả nước, với tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn lên tới hơn 3.200 tỷ đồng.
Quá trình khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng của vụ án và tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, mở rộng.
Hiện, Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng vụ án, xử lý các đối tượng liên quan theo quy định.