Trung Quốc đã khôi phục thông quan nhập khẩu thanh long trở lại qua cửa khẩu Lào Cai. |
Theo tin từ Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương), chính quyền Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã chính thức khôi phục thông quan nhập khẩu các mặt hàng trái cây tươi (bao gồm thanh long), hàng đông lạnh tại cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu Kim Thành II, Lào Cai) kể từ hôm nay, 12/1/2022.
Như vậy, sau 5 tháng tạm dừng, quả thanh long Việt Nam đã được thông quan trở lại qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc). Tuy nhiên, tại 2 cửa khẩu lớn là Hữu Nghị và Tân Thanh (Lạng Sơn), thanh long vẫn đang tạm dừng thông quan đến 26/1.
Việc tỉnh Vân Nam khôi phục thông quan nhập khẩu trái cây tươi (bao gồm thanh long), hàng đông lạnh qua cửa khẩu này sẽ góp phần giảm áp lực ách tắc hàng hóa tại các khẩu biên giới trên địa bàn Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Tuy nhiên, phía Vân Nam cũng cho biết hiện nay năng lực bốc dỡ của Vân Nam tại cửa khẩu là rất hạn chế do nhiều công nhân về quê ăn Tết. Vì vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam đề nghị phía Việt Nam, ngoài việc bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch đối với người và hàng hóa, vẫn cần chủ động điều tiết lượng hàng đưa lên cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc như đã xảy ra tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, lượng thanh long xuất khẩu đi Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai chiếm gần 35% tổng lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đất liền và cảng biển năm 2020.
Trước đó, suốt thời gian dài kể từ ngày 18/7/2021, trước những lo ngại về dịch Covid-19, phía Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam qua Lào Cai. Điều này khiến kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lào Cai năm 2021 giảm mạnh, riêng lượng thanh long vốn dĩ là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo qua đây giảm tới 40% so với năm trước.
Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 400 phương tiện thông quan qua Lào Cai; trong đó, khoảng 100 xe xuất khẩu, còn lại là xe nhập. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: ván bóc, tinh bột sắn, sắn lát khô và một số loại nông sản; hàng nhập chủ yếu là rau, củ, quả, phân bón, hóa chất và một số nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước.
Bộ Công thương lưu ý, do dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và trong khu vực, dự kiến quy trình thông quan tại tất cả các cửa khẩu sẽ còn tiếp tục được siết chặt, tiến độ thông quan, vì vậy, sẽ không thể trở lại bình thường trong thời gian ngắn.
Theo đó, UBND các địa phương vùng trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu, vì vậy, vẫn cần chủ động theo dõi sát tình hình để có biện pháp điều tiết sản xuất, thu hoạch, đặc biệt là điều tiết lượng hàng đưa lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan, tránh để phát sinh tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu gây thiệt hại cho tất cả các bên.
Ngoài ra, với phương châm "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn", Bộ Công thương khuyến nghị các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu.