Thời sự
Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm ngăn chặn thực phẩm bẩn
Hứa Chung-Nguyễn Cúc - 25/04/2016 10:34
Thịt không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đang được đưa lên xe tải. Ảnh minh họa. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN) Với số dân hơn 10 triệu người, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn, mỗi năm ước khoảng 1 triệu tấn rau, 287.000 tấn thịt và trên 1 tỷ quả trứng gia cầm. Trong khi đó, khả năng tự cung ứng của thành phố còn khá thấp, chỉ chiếm khoảng 20% so với nhu cầu tiêu thụ.
Thịt không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đang được đưa lên xe tải. Ảnh minh họa. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)


Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng với 80% lượng thực phẩm nhập từ các địa phương khác, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là bài toán khó đối với các ngành chức năng Thành phố Hồ Chí Minh.

Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn lại nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng như hiện nay. Những vụ việc liên quan đến thực phẩm không rõ nguồn gốc liên tục bị phát hiện, bắt giữ đã gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng.

Nhức nhối thực phẩm bẩn

Tháng Ba vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành lưu động, chốt chặn tại các đầu nút giao thông dẫn vào thành phố như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành và tuyến đường từ Tây Ninh về Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố cho biết trong đợt kiểm tra này, nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn đã bị phát hiện, hàng hóa bị thu giữ và tiêu hủy. Điển hình như rạng sáng 24/3 vừa qua, đoàn kiểm tra phối hợp với Đội cảnh sát giao thông Cát Lái chốt chặn trên các tuyến đường ra vào thành phố, phát hiện nhiều xe vi phạm, trong đó có xe tải biển kiểm soát 60C-062.94 chở 650kg thịt lợn không giấy chứng nhận kiểm dịch chạy từ Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Đêm 26/3, đoàn kiểm tra tiếp tục bắt giữ xe tải biển kiểm soát 64H-6797 chở 37 con lợn nái từ Bình Thuận vào Thành phố Hồ Chí Minh; kết quả xét nghiệm cho thấy có nhiều con mắc bệnh lở mồm long móng. Trong đêm 29, rạng sáng 30/3, đoàn tiếp tục chốt chặn trên đường dẫn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành, phát hiện hàng loạt xe tải chở gia súc, gia cầm vi phạm.

Tổng cộng, từ ngày 22-30/3, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 23 trường hợp xe tải chở gia súc, gia cầm, thủy sản; trong đó có hơn 500 con heo, 6.504 con gà, 17.610 con vịt, tôm giống 140.000 con và 670kg thịt lợn vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, số tiền phạt hành chính là gần 90 triệu đồng. Các lỗi điển hình là không giấy chứng nhận kiểm dịch, trốn tránh kiểm dịch tại các địa phương đi qua, phương tiện vận chuyển không đảm bảo...

Trước đó, sáng 7/1 vừa qua, lực lượng chức năng thành phố phát hiện một cơ sở ở xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn) đang có hành vi biến thịt trâu thành thịt bò bằng cách nhúng hóa chất tẩy trắng. Trong 74 thùng carton và kho lạnh chứa khoảng 3 tấn thịt trâu, ngoài ra còn có 2 bịch hóa chất màu trắng, trọng lượng gần 50kg. Chủ cơ sở khai số thịt trâu này được nhập khẩu từ Ấn Độ, còn hóa chất mua ở Chợ Lớn với giá 20.000 đồng/kg.

Theo lời khai của chủ cơ sở, số thịt trâu sau khi ngâm hóa chất sẽ có màu giống thịt bò, được mang đi bán cho các nhà hàng, quán ăn chế biến món bò kho.

Ngày 3/2 vừa qua, Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng Quận 3 bất ngờ kiểm tra cửa hàng buôn bán thịt sạch thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bính Hạnh (đường Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3), phát hiện các nhân viên tại đây đang ngâm thịt lợn nái với hóa chất và huyết bò để biến thành thịt bò. Đoàn kiểm tra còn phát hiện hơn 2 tấn thịt lợn nái đựng trong tủ đông và bên ngoài để chuẩn bị “hô biến” thành thịt bò trước khi bán ra thị trường.

Theo Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm nay, Chi cục phối hợp kiểm tra liên ngành về chất lượng thực phẩm đã phát hiện 746 vụ vi phạm; trong đó có hơn 400 vụ vi phạm về kiểm dịch, 218 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; đã tịch thu 17 tấn thịt gia súc gia cầm, 605 con lợn, bò, 8.527 con gia cầm và hơn 39.000 trứng gia cầm.

Quản lý thực phẩm từ gốc


Theo Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố không phát hiện trường hợp nào nuôi lợn sử dụng chất cấm hay lợn bị bơm nước…, nhưng nguồn thịt từ các tỉnh khác đổ về thì vẫn có tình trạng này. Không chỉ vậy, một số sản phẩm thịt từ các tỉnh đưa về thành phố còn gần hết hạn sử dụng. Thậm chí, để lợn, trâu, bò đã bị bơm nước vận chuyển vào thành phố không bị sốc và chết, một số hộ kinh doanh còn tiêm thuốc an thần cho vật nuôi.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong kiểm soát sản phẩm chăn nuôi từ gốc. Hơn 70% hộ chăn nuôi trong nước vẫn chọn phương thức sản xuất nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ. Do vậy, tình trạng thu gom vẫn phổ biến, nhiều lô hàng không truy xuất được nguồn gốc. Việc kiểm soát sản phẩm chăn nuôi đang được thực hiện qua từng công đoạn, theo từng địa phương và có những khoảng hở.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, giải pháp về các tỉnh để kiểm tra chất lượng hàng thực phẩm nhập vào thành phố là khó thực hiện do bị vướng về địa giới và hành chính.

Bên cạnh các thỏa thuận phối hợp đã ký với các tỉnh, giải pháp hữu ích nhất chính là tăng cường kiểm soát tại các chợ đầu mối bằng các hàng rào kỹ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời thực hiện nhiều hơn các test để sàng lọc, cơ quan chức năng kiểm soát từng lô hàng đưa vào chợ.

“Chúng ta không quản lý được các cơ sở ở các tỉnh bằng con đường chính thống, phải quản lý bằng hàng rào kỹ thuật do chúng ta lập ra. Người tiêu dùng có quyền đòi hỏi chất lượng hàng hóa đáp ứng được các điều kiện. Chúng ta có quyền đến kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chăn nuôi của các địa phương khác theo hợp đồng riêng, chính quyền địa phương nơi đó chỉ hỗ trợ nếu có yêu cầu,” bà Mai cho biết.

Một trong những giải pháp đã được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2013 và nhận được sự đồng tình của người dân là Đề án chuỗi thực phẩm an toàn. Đến nay, Ban Quản lý Đề án chuỗi thực phẩm an toàn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã công nhận 46 doanh nghiệp với 76 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn (một doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, cơ sở).

Các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn phải được Ban Quản lý đề án cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn,” đồng thời được cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “chuỗi thực phẩm an toàn” cho sản phẩm đã tham gia.

Sản phẩm tham gia chuỗi được quản lý theo mô hình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, từ khâu nuôi trồng cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng

Sản phẩm được kiểm soát chặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Các nguyên liệu đầu vào của quá trình nuôi trồng sẽ được giám sát chất lượng như cây và con giống, thức ăn, nguồn nước, việc sử dụng thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật, quy trình nuôi trồng, quy trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản... Các sản phẩm chế biến muốn tham gia chuỗi cũng được kiểm duyệt ở tất cả các khâu. Các nguyên liệu đưa vào chế biến phải là các sản phẩm thuộc chuỗi, quy trình chế biến, việc sử dụng phụ gia, chất bảo quản phải theo đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Chính phủ thành lập một cơ quan chuyên ngành về an toàn thực phẩm trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố, tập hợp các nhân sự chuyên ngành có đủ năng lực về thực phẩm, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, phân tích, kiểm nghiệm...

Cơ quan này sẽ hỗ trợ tích cực cho các cơ quan chuyên ngành trong việc giải quyết mọi vấn đề từ lò giết mổ, từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ hóa chất và quản lý được thực phẩm trong chuỗi thực phẩm an toàn để thực phẩm đến được tay người dân là thực phẩm an toàn.

Để ngăn chặn triệt để đường tiêu thụ của thực phẩm bẩn, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có những ký kết, thỏa thuận với các tỉnh theo nhiều cấp độ như thành phố, sở, các cơ quan dưới Sở để trao đổi thông tin kịp thời đối với các lô hàng, mặt hàng nghi ngờ mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã nhập về thành phố hoặc đã tẩu tán, di chuyển sang các địa phương khác; tăng cường chốt chặn tại cửa khẩu, phối hợp với công an, liên ngành xử lý nghiêm, thông tin cho người dân biết các thực phẩm không đạt yêu cầu chất lượng vệ sinh.

Hy vọng, với các giải pháp bao vây, phong tỏa, ngăn chặn và quyết tâm của cả hệ thống chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ từng bước được hạn chế. Tuy nhiên, để thực phẩm bẩn không còn "đất sống," người tiêu dùng cũng cần “khó tính” hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho bản thân và gia đình./.

Tin liên quan
Tin khác