Viễn cảnh không xa của TP. Thủ Đức - “thành phố trong thành phố” là một đô thị tương tác sáng tạo, là nơi đáng sống, đáng đến để đầu tư, đổi mới, sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng sau 3 năm thành lập, giấc mơ vẫn còn nguyên, thậm chí ngổn ngang hơn…
Quốc lộ 13 đoạn qua TP. Thủ Đức thường xuyên bị nghẽn giao thông. Ảnh: Lê Toàn |
Bài 1: Ba năm vẫn nguyên một “giấc mơ”
Sau 3 năm trở thành thành phố, những nút thắt về hạ tầng của Thủ Đức không những còn nguyên, mà nhiều nơi còn xuống cấp nặng nề hơn. Lợi thế cửa ngõ phía Đông của TP. Thủ Đức tiếp tục bị treo trong các đề án.
Những ngả đường ách tắc
“Chúng tôi khổ sở vì bị khách hàng phàn nàn liên tục về việc chậm giao hàng. Tình hình kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Dù đã dự trù thời gian, nhưng quả thật, lực bất tòng tâm”, ông Nguyễn Văn Điệp, Phó giám đốc Công ty VCAC nói khi trao đổi với chúng tôi về sự chậm trễ trong việc mở rộng tuyến Quốc lộ 13 đoạn qua TP.HCM.
Theo phản ánh của ông Điệp, tuyến đường từ Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đến kho hàng gần sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chỉ hơn 40 km, thời gian di chuyển trung bình chỉ 1 giờ 15 phút, nhưng hiện nay, đội xe 15 chiếc của VCAC di chuyển qua đoạn đường này mất từ 2 giờ 15 phút đến 3 giờ, tùy ngày kẹt xe nhiều hay ít.
Qua tính toán của vị phó giám đốc Công ty VCAC, cứ 1 giờ kẹt xe, mỗi xe VCAC tiêu hao thêm 7-10 lít dầu, tương đương doanh nghiệp phải chi thêm 180.000 đồng nhiên liệu. Bình thường, chỉ cần 3 giờ là xe chạy được một lượt (cả đi và về) từ Bình Dương đến TP.HCM, nhưng do kẹt xe, phải mất 5 - 6 giờ mới đi được một lượt. “Với tình trạng kẹt xe triền miên từ ngày này qua ngày khác trên Quốc lộ 13, số tiền mà doanh nghiệp sử dụng cung đường này như chúng tôi phải chi thêm cho nhiên liệu là rất lớn”, ông Điệp bức xúc.
Tương tự VCAC, các lái xe chạy tuyến Quốc lộ 13 đến sân bay Tân Sơn Nhất đều chung nỗi ám ảnh này.
Chuyện kẹt xe đã trở thành “cơm bữa” của Quốc lộ 13 - tuyến đường huyết mạch kết nối TP. Thủ Đức đi Bình Dương, Bình Phước và vùng Tây Nguyên. Dòng xe thường ách tắc từ cầu Bình Triệu, kéo đến nút giao Bình Phước (thuộc địa phận TP. Thủ Đức). Vào mùa mưa, tình trạng còn tệ hơn do đường bị ngập úng.
Điều đáng nói, đây là con đường ngắn nhất từ Bình Dương đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đoạn Quốc lộ 13 thuộc địa phận Bình Dương đã được mở rộng, nên đoạn đường thuộc địa phận TP. Thủ Đức trở thành “nút thắt cổ chai”.
TP. Thủ Đức không chỉ có một nút thắt cổ chai. Theo Quyết định số 1538/QĐ-TTg ngày 16/9/2021 về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức (thuộc TP.HCM) đến năm 2040, phường Trường Thọ được lựa chọn là khu trung tâm hành chính, tài chính - thương mại của TP. Thủ Đức.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng khu tài chính thương mại, cụm cảng ICD Trường Thọ sẽ phải di dời, trả lại mặt bằng để xây dựng một đô thị kiểu mẫu của TP. Thủ Đức. Thời điểm dự kiến là năm 2022, song kế hoạch này đã bị “phá sản”, vì chưa xây dựng được Cảng ICD Long Bình. Như vậy, tình trạng kẹt xe trên xa lộ Hà Nội, tuyến đường bộ duy nhất dẫn từ các khu công nghiệp vào Cảng ICD Trường Thọ chưa có hướng ra.
Vì Cảng ICD Trường Thọ nằm ở khu vực trung tâm TP. Thủ Đức, nên dù xa lộ Hà Nội có đến 8 làn xe, nhưng do lượng xe container ra vào rất lớn, gây áp lực giao thông nặng nề các ngã tư MK và Bình Thái (TP. Thủ Đức).
Trước tình hình kẹt xe trên Quốc lộ 13, từ đầu năm 2023, Công ty VCAC buộc phải thay đổi thời gian giao hàng từ ban ngày sang 10 giờ đêm hoặc buổi trưa. Ông Điệp cho biết, khi thay đổi thời gian giao hàng sang 10 giờ đêm, doanh nghiệp phải tính lương cho lái xe cao hơn ban ngày, song bù lại, tiết kiệm được thời gian, chi phí nhiên liệu và giao hàng đúng giờ. Còn đối với những chuyến hàng buộc phải giao vào ban ngày, thì đành chấp nhận đi quãng đường xa hơn, nhưng không kẹt xe hoặc chọn thời gian giao hàng vào buổi trưa để tránh kẹt xe.
Từ kỳ vọng đến… thất vọng
Không phải chỉ những con đường đang ách tắc. Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. HCM cho biết, Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đã được UBND Thành phố phê duyệt là dự án các công trình giao thông trọng điểm, với quy mô mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, tổng mức đầu tư 9.900 tỷ đồng (dài 4,5 km).
Tuy nhiên, do những vướng mắc về pháp lý và thiếu vốn đầu tư, đến nay, Dự án mở rộng Quốc lộ 13 mới chỉ đưa vào danh mục nghiên cứu chuẩn bị đầu tư vì chưa bố trí được nguồn vốn.
Việc di dời cảng Trường Thọ cũng vậy, đã lùi nhiều lần. Lần gần nhất, Thành phố gia hạn thời gian di dời đến hết năm 2022 và giờ chưa có thời hạn kế tiếp, vì địa điểm xây cảng mới ở phường Long Bình chưa tìm được nhà đầu tư...
Khi thành lập TP. Thủ Đức, TP.HCM đặt ra mục tiêu sẽ phát triển nơi đây là “hạt nhân’’, là một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thời điểm cuối năm 2020, tại buổi công bố thành lập TP. Thủ Đức, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được giới thiệu, như nâng cấp mở rộng gồm đường Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Bưng Ông Thoàn, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Duy Trinh, Quốc lộ 13, đường Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp, đường Tô Ngọc Vân (từ vòng xoay chợ Thủ Đức đến đường Phạm Văn Đồng), tuyến Vành đai 2 - đoạn qua Thủ Đức…
Nhưng, sau gần 3 năm thành lập, các mục tiêu trên của TP. Thủ Đức xem ra vẫn chỉ là mục tiêu.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, 3 cây cầu gồm Nam Lý, Ông Nhiêu, Tăng Long đều có nguyên nhân chung là vướng giải phóng mặt bằng.
Trong đó, Dự án cầu Tăng Long khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành vào năm 2019, nhưng Dự án thi công được hơn 30% thì tạm ngưng gần… 5 năm nay do chưa có mặt bằng. Tương tự, Dự án cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp khởi công năm 2016, với số vốn đầu tư 857 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2018, đến năm 2019 thì dừng thi công khi mới đạt 39% khối lượng…
Ông Phúc cho biết thêm, UBND TP. Thủ Đức đang tiếp tục bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong năm 2023, Dự án cầu Nam Lý sẽ được bàn giao mặt bằng và sau khi có mặt bằng sẽ thi công trong vòng 12 - 16 tháng.
Bên cạnh hàng loạt cây cầu, tuyến Vành đai 2 còn 3 đoạn “cắt khúc” dở dang đến nay chưa giải phóng xong mặt bằng để thi công (gồm đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa; đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội; đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng). Trong đó, bức xúc nhất là đoạn dài 2,7 km nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, được khởi công từ năm 2017, nhưng đến nay chưa hoàn thành, vì TP.HCM chưa cân đối được quỹ đất để đổi cho nhà đầu tư.
Chưa nói đến các dự án mới, ngay cả những dự án thi công dở dang cũng ì ạch, làm nhiều năm chưa xong.
Trì trệ nhất phải kể đến tuyến huyết mạch nối TP. Thủ Đức với khu trung tâm là đường Lương Định Của. Đoạn này chỉ dài gần 2,5 km, nhưng đã triển khai 8 năm mà chưa xong. Ngoài ra, hàng loạt cây cầu trên địa bàn TP. Thủ Đức, như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu... chậm tiến độ 4 - 7 năm, khiến cuộc sống của người dân trong vùng bị đảo lộn…
Đi đầu để về đâu?
Một trong những viễn cảnh được chờ đợi nhất của TP. Thủ Đức là 8 trung tâm đổi mới - sáng tạo, theo Đề án Hình thành và Phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố giai đoạn 2020 - 2035.
Đó là Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu liên hợp Thể dục - Thể thao quốc gia Rạch Chiếc; Khu công nghệ cao; Khu Đại học Quốc gia TP.HCM; Khu Linh Trung kết nối Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao; Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm Công nghệ sinh thái; Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai và Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Nhưng đến nay, ngoài Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia TP.HCM đã thành hình, thì những khu vực khác vẫn ngổn ngang.
Ngay tại Thủ Thiêm, với diện tích 657 ha, được định vị là khu trung tâm công nghệ tài chính, bao gồm khu trung tâm thương mại, tài chính, khu dân cư cho khoảng 150.000 người sinh sống và hơn 220.000 người làm việc thường xuyên, song mới phát triển được các dự án chung cư thương mại như Sala, Empire City, The River, The Metropole Thủ Thiêm…, trong khi nhiều phân khu còn trống, như Khu tái định cư Bình Khánh sau khi hoàn thành bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Cách đó không xa là khu Tam Đa - Long Phước với 3 mặt giáp sông - được dự kiến là một trung tâm công nghệ sinh thái trong tương lai. Lãnh đạo Thành phố cũng đặt tham vọng xây dựng nơi này thành Phú Mỹ Hưng thứ hai, nhằm chia sẻ áp lực phát triển với khu trung tâm TP.HCM. Dù vậy, đến thời điểm này, dân cư nơi đây vẫn khá thưa thớt vì giao thông kết nối kém phát triển và xa khu trung tâm.
Dự án Khu liên hợp Thể dục - Thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch từ 26 năm trước. Năm 2017, khi TP.HCM dự định đăng cai SEA Games 31, khu này được tái khởi động. Tuy nhiên, sau đó, Thành phố phải xin rút đăng cai vì tiến độ ì ạch của dự án này.
Còn Dự án Saigon Sports City - một phân khu của Khu liên hợp Thể dục - Thể thao Rạch Chiếc, có quy mô 64 ha, trong đó có 26 ha cho các công trình thể thao, còn lại là nhà ở thương mại. Dự án được động thổ rầm rộ vào cuối năm 2019, nhưng đến nay mới triển khai xây dựng được một phần khu nhà điều hành.
Ông Lê Xuân Phú (ngụ tại phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức) bức xúc cho biết, từ khi lên TP. Thủ Đức đến nay đã gần 3 năm, nhưng hạ tầng không có sự thay đổi nào, thậm chí thụt lùi mọi mặt và chỉ có đất là lên giá.
“Tưởng rằng, khi lên TP. Thủ Đức, đường sá sẽ được đầu tư khang trang hơn, nhưng mọi thứ vẫn không có gì mới. Với tình hình như thế này, ‘TP. Thủ Đức trở thành nơi đáng sống’ vẫn là giấc mơ còn xa”, ông Phú chia sẻ.
Đầu tư đường kết nối tuyến D1 - Khu công nghệ cao với đường Nguyễn Xiển, dài 1 km, tổng mức đầu tư hơn 750 tỷ đồng.
Đường vành đai 2 - đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái), dài 3,5 km, tổng mức đầu tư 8.600 tỷ đồng.
Đường vành đai 2, đoạn từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, dài 2,9 km, tổng mức đầu tư 8.450 tỷ đồng.
Đường nối ngã ba Gò Công đến nút giao trạm 2, dài 6 km, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu dài 6,6 km (trong đó có 3,2 km cầu), tổng vốn đầu tư 8.500 tỷ đồng.
Đường kết nối từ phường Long Bình đến đường Vành đai 3.
(Còn tiếp)