Sức khỏe doanh nghiệp
Thành Thành Công – Biên Hòa rót nghìn tỷ đồng vào dự án Vịnh Đầm Phú Quốc
Thanh Thủy - 01/10/2020 08:35
Năm qua, SBT đã chi 592 tỷ đồng mua cổ phần của chủ đầu tư dự án Vịnh Đầm. Cùng khoản đặt cọc thuê đất, số tiền doanh nghiệp đường bỏ vào đây chiếm hơn 7% tổng tài sản.
Phối cảnh dự án Khu phức hợp Vịnh Đầm 300 ha tại Phú Quốc 

Đến cuối quý II/2020, CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (mã SBT) đã nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty Toàn Hải Vân lên 18,12% với số vốn đầu tư gần 592 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Toàn Hải Vân đến thời điểm này là 1.000 tỷ đồng và vừa tăng nhẹ lên 1.002 tỷ đồng hồi cuối tháng 8 vừa qua. Thành Thành Công – Biên Hòa đã chi mua cổ phần doanh nghiệp này với giá gấp hơn 3,2 lần mệnh giá.

Hồi đầu niên độ tài chính 2019-2020 (30/6/2019), công ty vẫn chưa đầu tư vào Toàn Hải Vân. Việc gia tăng sở hữu tập trung chính ở quý gần đây.

Không chỉ ở vai trò cổ đông công ty, Thành Thành Công – Biên Hòa còn là khách hàng thuê các lô đất thuộc dự án Vịnh Đầm với diện tích hơn 21,82 ha. Giá trị hợp đồng lên tới 1.440 tỷ đồng, trong đó Thành Thành Công – Biên Hòa đã đặt cọc trước 673 tỷ đồng.

Tổng số tiền mà doanh nghiệp đứng đầu ngành sản xuất đường này đầu tư vào dự án tại Phú Quốc đến nay đã lên tới 1.265 tỷ đồng, tương đương hơn 7% tổng tài sản. Ngoài ra, cũng liên quan đến lĩnh vực bất động sản, Thành Thành Công – Biên Hòa cũng chi 522 tỷ đồng đặt cọc tiền thuê lô đất 45,7 ha tại khu công nghiệp Thành Thành Công của CTCP Khu công nghiệp Thành Thành Công, một công ty khác cũng cùng tập đoàn.

Toàn Hải Vân là chủ đầu tư dự án khu phức hợp Vịnh Đầm thuộc khu vực Vịnh Đầm, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Công ty thành lập từ tháng 4/2009 và liên tục tăng vốn, đặc biệt từ năm 2017 đến nay.  Từ giữa năm 2017 đến nay, vốn điều lệ doanh nghiệp dự án này đã tăng 5 lần, từ mức 200 tỷ đồng.

Không lạ khi Toàn Hải Vân phải nâng quy mô vốn điều lệ lên nghìn tỷ đồng. Dự án mà công ty làm chủ đầu tư có diện tích lên tới 300 ha, nằm ở vị trí khá đắc địa (cách sân bay quốc tế Phú Quốc 15 phút và cách thị trấn Dương Đông khoảng 25 phút). Đây là dự án với các chức năng hỗn hợp gồm cụm công nghiệp - cảng (110 ha) và bất động sản nghỉ dưỡng và khu du lịch, nhà hàng, khách sạn có quy mô 180 ha với tên gọi Ocean Lotus Island. Trong đó, cụm công nghiệp – cảng với một tổng kho nào đủ lớn để trữ hàng hóa được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhu cầu của Phú Quốc trong mùa biển động.

Dù Toàn Hải Vân tiếp nhận dự án này từ năm 2009, nhưng chục năm qua chỉ thực hiện chính công tác đền bù, giải tỏa để giải phóng mặt bằng, xin cấp phép, xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ giữa năm 2018, CTCP Địa ốc Sài gòn (TTC Land, mã SCR) từng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phần ra công chúng, tỷ lệ 67% để tăng vốn điều lệ lên hơn 5.500 tỷ đồng. Phần lớn số tiền huy đọng được là để mua lại gần 80% vốn Toàn Hải Vân.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại TTC Land vẫn chưa thực hiện được đợt tăng vốn. Đồng thời, Toàn Hải Vân hiện chỉ là công ty thành viên cùng Tập đoàn Thành Thành Công mà chưa có quan hệ về sở hữu vốn. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 9 vừa qua, TTC Land đã bổ nhiệm ông Võ Quốc Khánh đảm nhận vị trí Tổng giám đốc. Vị CEO này cũng là người đã gắn bó với công ty Toàn Hải Vân ở vị trí tổng giám đốc suốt các năm qua.

Tin liên quan
Tin khác