Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, với sự phát triển của công nghệ, việc thanh toán xuyên biên giới hiện vô cùng dễ dàng. |
Ngân hàng bị co hẹp thị phần
Đại diện phụ trách mảng công nghệ một ngân hàng TMCP cho hay, ngân hàng này đã làm việc với Wechat Pay từ 2 năm nay và đã chuẩn bị sẵn sàng ký kết hợp đồng hợp tác, cho phép khách hàng Trung Quốc sử dụng ví điện tử của Wechat Pay có thể thanh toán ở thị trường Việt Nam qua hệ thống ngân hàng và ngược lại.
“Chúng tôi đã kiến nghị và mong Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm tháo gỡ vướng mắc về thanh toán quốc tế để việc hợp tác sớm được triển khai. Hiện ngân hàng không còn độc quyền về thanh toán quốc tế nữa, miếng bánh thị phần không nhỏ đã rơi vào các trung gian thanh toán đang phát triển bùng nổ ở nhiều nước trên thế giới… Tuy nhiên, thay vì sợ hãi, chúng tôi muốn bắt tay hợp tác với trung gian thanh toán quốc tế để khai thác tệp khách hàng chung, hai bên cùng có lợi”, vị lãnh đạo này cho biết.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng, trung gian thanh toán trong nước cũng gửi đề nghị lên NHNN, đề xuất hợp tác thanh toán với các ví điện tử của Trung Quốc, Hàn Quốc như Alipay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank..., nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế.
Vài năm gần đây, hiện tượng khách du lịch Trung Quốc thanh toán “chui” bằng Alipay, Wechat Pay vẫn âm thầm diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như Nha Trang, Quảng Ninh… Thực tế, Alipay hay Wechat Pay là các ví điện tử lớn mà nhiều ngân hàng trong nước đều thèm khát bắt tay hợp tác, song lại không thể tiến hành.
Theo quy định hiện hành, với hoạt động thanh toán quốc tế, ngân hàng trong nước chỉ được hợp tác với các ngân hàng, các tổ chức thẻ quốc tế…, chứ không được phép hợp tác với các giao dịch thanh toán quốc tế mới như ví điện tử, cũng chưa có quy định về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng. Khoảng trống pháp lý này khiến NHNN không thể kiểm soát được dòng tiền “chui” đang chảy khỏi Việt Nam qua ví điện tử nước ngoài.
Tuy nhiên, các quy định trên đang được NHNN xem xét sửa đổi. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) khẳng định, cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm xuất hiện nhiều mô hình thanh toán quốc tế mới. Trước đây, nói về thanh toán quốc tế, chủ yếu chỉ đề cập thanh toán qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng quốc tế. Song giờ đây, thanh toán quốc tế xuất hiện nhiều mô hình mới, trong đó có ví điện tử.
Sẽ có làn sóng ngân hàng bắt tay ví ngoại?
Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN sẽ cho phép các ngân hàng được hợp tác kết nối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nước ngoài để thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế. Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng được hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nước ngoài để hỗ trợ ngân hàng được phép thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế (phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản).
- Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, với sự phát triển của công nghệ, việc thanh toán xuyên biên giới hiện vô cùng dễ dàng. Các nền tảng trung gian thanh toán xuyên biên giới phát triển rất mạnh trên thế giới, không chỉ thu hút các fintech mà cả các Big Tech (Amzon, Apple, Google…) tham gia.
Theo đó, khách hàng của các trung gian thanh toán này có thể thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế, mà không cần tới tài khoản ngân hàng. Song để hợp tác với các tổ chức này, ngân hàng trong nước cần sự cho phép của NHNN.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank khẳng định, ngân hàng trong nước chưa thể liên kết với các ví điện tử nước ngoài như Wechat Pay, Alipay là do chưa có cơ sở pháp lý. “Chúng tôi sẵn sàng hết rồi, đã thông luồng rồi, chỉ chờ NHNN ‘bật công tắc’ là có thể tiến hành ngay”, ông Hưng nói.
Dự báo, việc sửa đổi quy định của NHNN sẽ mở đường cho “làn sóng” bắt tay giữa các ngân hàng, fintech trong nước với các ví điện tử đình đám nước ngoài. Nhiều trung gian thanh toán quốc tế đang nhắm vào thị trường Việt Nam. Các ngân hàng đi trước trong cuộc đua này sẽ có cơ hội đột phá về thị phần thanh toán. Làn sóng này cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại điện tử…
Việc sửa đổi hành lang pháp lý, cho phép ngân hàng, trung gian thanh toán trong nước bắt tay với ví điện tử nước ngoài để phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử xuyên biên giới không chỉ giúp các đơn vị này phát triển thị phần thanh toán quốc tế, gia tăng tiện ích cho người dân, mà còn giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong nắm bắt thông tin về các giao dịch, kiểm soát nguy cơ rửa tiền, trốn thuế...