Những “hạt sạn” không nhỏ
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa hoàn tất Kết luận thanh tra chuyên đề số 9090/TKL - BGTVT về việc kiểm soát chất lượng, công tác tư vấn giám sát, công tác thí nghiệm đối với một số dự án đang sử dụng nguồn vốn ODA do bộ này quyết định đầu tư.
Dự án Đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Hợp phần A) do Ban Quản lý dự án Hàng hải đóng vai trò chủ đầu tư là công trình sử dụng vốn vay ODA duy nhất nằm trong đợt thanh tra liên quan đến công tác kiểm soát chất lượng này. Với tổng mức đầu tư lên tới 18.624 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, đây cũng là công trình hạ tầng hàng hải lớn nhất từng được triển khai tại phía Bắc.
Liên danh Penta - Toa đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đê chắn sóng đoạn A, kè bảo vệ bờ của gói thầu số 6 |
Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng cảng và 2 bến giai đoạn khởi động nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có tải trọng đến 50.000 tấn đủ tải và tàu 100.000 tấn non tải (80%), gồm một loạt hạng mục kỹ thuật có độ khó cao như xây dựng luồng tàu dài 17,4 km, độ sâu -14m; đê chắn sóng dài 3.230 m, cao 6,5 m; đê chắn cát dài 7,6 km, cao 2 m...
Cho đến thời điểm đoàn thanh tra vào cuộc, các nhà thầu chính Nhật Bản tại 4 gói thầu xây lắp của Dự án đang bám sát tiến độ đề ra (khởi công năm 2013, hoàn thành năm 2019), trong đó gói thầu số 6 - xây dựng đê chắn sóng đoạn A, kè bảo vệ bờ, tôn tạo bãi do Liên danh Penta - Toa đã kết thúc vào tháng 11/2017; các gói thầu còn lại dự kiến lần lượt hoàn tất vào tháng 10/2018 và tháng 11/2019.
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ GTVT, trong quá trình thực hiện Dự án, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đã thực hiện cơ bản đúng và đầy đủ theo quy trình kiểm soát chất lượng, quy trình thi công và nghiệm thu, theo yêu cầu kỹ thuật của công trình. Mặc dầu vậy, vẫn còn một số khiếm khuyết liên quan đến công tác kiểm soát chất lượng của cả tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư được Thanh tra Bộ GTVT chỉ tại dự án này.
Cụ thể, liên quan đến các hồ sơ quản lý chất lượng, Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, các nhà thầu thi công không lập nhật ký thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 18, Thông tư 10/2013/TT - BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Điều 10, Thông tư 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Tuy nhiên, theo báo cáo giải trình của Ban Quản lý dự án Hàng hải, nhà thầu không viết nhật ký thi công thành quyển riêng, mà lập báo cáo công trường hàng ngày và được tư vấn giám sát xác nhận. Bộ GTVT chưa cho biết là có chấp nhận báo cáo giải trình này hay không, nhưng trong Kết luận Thanh tra số 9090, có rất nhiều đánh giá của đoàn thanh tra đi kèm với giải trình của chủ đầu tư liên tục được xuất hiện cho thấy, “đã có sự lệch pha nhất định trong việc thực hiện các quy định về kiểm soát chất lượng giữa nhà thầu Nhật Bản và cơ quan chức năng”.
Liên quan đến gói thầu dịch vụ giám sát thi công do Liên danh tư vấn Việt - Nhật do Nippon Koie đứng đầu thực hiện, Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, theo hồ sơ thanh toán, chấm công nhân sự tư vấn giám sát làm việc tất cả các ngày trong tháng chưa phù hợp với thực tế làm việc của tư vấn giám sát.
Bên cạnh đó, Dự án không bố trí riêng kỹ sư tư vấn giám sát chuyên ngành về vật liệu là chưa đúng quy định về kiểm soát chất lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án Hàng hải cho rằng, vật liệu vận chuyển đến công trường đều được tư vấn giám sát căn cứ theo “Chỉ dẫn kỹ thuật lấy mẫu”, tiến hành công tác thí nghiệm đảm bảo các chỉ tiêu cơ lý theo quy định. Công tác thí nghiệm được thực hiện bởi những đơn vị có thiết bị chuyên ngành phù hợp, có nhiều kinh nghiệm trong công tác thí nghiệm, kiểm tra vật liệu.
Bất cập tỷ giá
Mặc dù vậy, vẫn còn một số điểm hạn chế được đoàn thanh tra chỉ ra đã khiến chủ đầu tư “tâm phục, khẩu phục”.
Thanh tra Bộ GTVT cho biết, qua kiểm tra hiện trường, công tác thi công đá lõi hạng mục tường chắn sóng gói thầu số 10 do Toa Cor. thi công vật liệu đá một số điểm không đúng kích thước theo thiết kế, nhiều đá nhỏ và lẫn cát. Hệ thống an toàn lao động, cọc tiêu, biển báo trên công trường được kết luận là còn sơ sài, bằng cọc tre, chưa đảm bảo yêu cầu.
Theo báo cáo giải trình của Ban Quản lý dự án Hàng hải, ngày 18/5/2018, tư vấn giám sát đã có văn bản giải trình và chấp thuận biện pháp khắc phục của nhà thầu cho đến nay nhà thầu đã khắc phục sửa chữa những tồn tại hiện trường.
Tại Kết luận số 9090, tổng số tiền phải xử lý tài chính tại Dự án không lớn (26,3 tỷ đồng và 2,8 triệu yên), chủ yếu là do công trình này đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và có báo cáo kiểm toán tại thông báo số 28/KTNN - TN vào ngày 28/1/2018.
“Đoàn thanh tra không tiến hành kiểm tra đối với các nội dung mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu trong báo cáo kiểm toán”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Trên thực tế, tổng giá trị xử lý tài chính mà Kiểm toán Nhà nước yêu cầu tại Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - Hợp phần A lên tới 374 tỷ đồng, trong đó giảm trừ thanh toán 12,9 tỷ đồng; xử lý khác 66,5 tỷ đồng; điều chỉnh giá trị hợp đồng 294,7 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc tính toán xác định giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh của chủ đầu tư đã chưa xét đến việc tận dụng lại khối lượng cát dỡ tải khoảng 0,65 triệu m3, trị giá khoảng 71 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Ban Quản lý dự án Hàng hải chưa chủ động rà soát để cắt giảm hạng mục bảo vệ môi trường khu vực nhạy cảm do theo báo cáo đánh giá môi trường, thì không cần thiết phải thực hiện với tổng giá trị là 114.630 triệu đồng. Tại gói thầu số 8 và số 9, Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá hoạt động khảo sát phục vụ cho mục đích nghiên cứu mô phỏng sa bồi không đảm bảo yêu cầu của Dự án.
Bất cập lớn nhất tại Dự án này được Kiểm toán Nhà nước đánh giá liên quan đến việc chưa có cơ chế kiểm soát tỷ giá giữa VND và đồng yên (JPY) trong quá trình rút vốn để giải ngân bằng VND. Qua kết quả thống kê, tính toán, nếu áp dụng theo tỷ giá VND/JPY được thông báo trên website Vietcombank (cao hơn so với tỷ giá VND/JPY mà Vietcombank thông báo cho Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi UFJ), thì số tiền yên đã rút về giải ngân cho Dự án tính đến 30/6/2017 sẽ thấp hơn khoảng 469,7 triệu yên (tương đương khoảng 92 tỷ đồng); nếu tính cho toàn bộ Dự án sẽ thấp hơn khoảng 1.075 triệu yên, tương đương 210 tỷ đồng.
Tại Dự án này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến việc đàm phán, thương thảo để ký Biên bản ghi nhớ, trong đó có nội dung phân chia Dự án có nhu cầu vay vốn thành các gói thầu có quy mô phù hợp để khuyên khích nhiều nhà thầu tham gia đấu thàu, tăng tính cạnh tranh trong công tác lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tính kinh tế trong đấu thầu.