Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Thanh tra 16 lĩnh vực rủi ro cao
Theo ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, trong thời gian qua, đơn vị này đã đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, dựa trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin người nộp thuế. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để tăng cường kiểm tra, rà soát, phân loại những ngành nghề có rủi ro cao để có biện pháp đấu tranh với các hành vi gian lận thuế. Trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với 16 lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, trong đó có một số lĩnh vực trọng yếu như: Kinh doanh thương mại điện tử; Kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản; Chuyển nhượng vốn; Doanh nghiệp bán hàng đa cấp…
Trong 5 tháng đầu năm 2017, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra tại 7.230 doanh nghiệp, truy thu và phạt 1.753 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, Cục Thuế TP.HCM tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá và triển khai thực hiện một số chuyên đề như kiểm soát hoạt động chuyển giá đối với DN có giao dịch liên kết; chuyển giá trong hoạt động xuất nhập khẩu; quản lý kinh doanh thương mại điện tử. Trong đó, Cục Thuế TP.HCM thực hiện rà soát, thu thập thông tin và thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng internet để vận động, hướng dẫn người nộp thuế kê khai và nộp thuế theo đúng quy định.
Từ nay đến cuối năm 2017, Cục Thuế TP.HCM sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề và phân tích các hồ sơ có dấu hiệu rủi ro lớn; các tập đoàn, tổng công ty có doanh thu lớn tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao…
Cùng chặn trốn thuế kinh doanh qua mạng
Trước thực trạng nhiều người hoạt động lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử (hoạt động bán hàng qua mạng) thời gian gần đây không kê khai đầy đủ doanh số bán hàng qua mạng, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo các đơn vị, gồm: Công an, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước... sẽ cùng với Cục Thuế TP.HCM vào cuộc ngăn chặn hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, để tăng cường quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, các đơn vị nói trên sẽ thực hiện nhiều giải pháp quản lý thuế, tạo môi trường công bằng trong kinh doanh về nghĩa vụ thuế. Theo đó, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ cung cấp cho các cơ quan Thuế danh sách các website thương mại điện tử như website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, website đấu giá trực tuyến, website khuyến mãi trực tuyến, website của các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến, các tổ chức cá nhân trong nước là chủ sở hữu của các website thương mại điện tử có đăng ký kinh doanh, có mã số thuế …
Các đơn vị nói trên cũng sẽ xem xét đến các phương thức thanh toán của từng tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như thanh toán qua ngân hàng, bằng thẻ tín dụng trong nước và quốc tế, số tài khoản nhận chuyển tiền của các website, thanh toán bằng thẻ cào điện thoại và các phương thức thanh toán khác. Trong khi đó, Công an TP.HCM cũng sẽ cung cấp cho cơ quan Thuế các website thương mại điện tử có hoạt động kinh doanh chưa kê khai nộp thuế bị phát hiện để cơ quan Thuế truy thu thuế theo quy định. Cục Thuế TP.HCM có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nghĩa vụ kê khai nộp thuế, chính sách thuế, các loại thuế phải thực hiện kê khai nộp thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Đặc biệt, Cục Thuế TP.HCM sẽ phối hợp với các báo đài thông tin về các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có hành vi trốn thuế.
Hoạt động bán hàng trên mạng điện tử, trên facebook rầm rộ là vậy, nhưng theo phân tích của lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, cơ quan Thuế vẫn khó xác định được doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị bán hàng trên mạng theo chứng từ kèm theo vì thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người tiêu dùng. Chẳng hạn, với các cá nhân, tổ chức bán hàng qua Facebook, cơ quan Thuế vào cuộc kiểm tra là một chuyện, nhưng việc xác định được doanh thu, lợi nhuận bao nhiêu lại là chuyện khác.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 80.000 website có tên miền thực hiện thương mại điện tử, trong đó có khoảng 40.000 website hoạt động có hiệu quả tồn tại trên 3 năm. Để ngăn chặn hành vi trốn thuế, dự kiến trong năm 2017 sở sẽ phối hợp với Cục Thuế TP.HCM kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực thương mại điện tử theo 12 tiêu chí nhằm quản lý lĩnh vực này.