Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. |
Tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai” diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, trong 4 tháng năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Dũng, xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường. Đáng chú ý, những tháng đầu năm 2020, dù bị ảnh hưởng của Covid-19, nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Bà Lý Thị Hoài Hương, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, đến cuối năm 2019, đã có 99% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử. Số tiền thuế đã nộp bằng phương thức điện tử năm 2019 là trên 700.000 tỷ đồng. Hiện đã có 53 ngân hàng và 12 đơn vị T-VAN (nhà cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian) tham gia cung cấp dịch vụ khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế.
Mặc dù xu hướng thanh toán phi tiền mặt gia tăng, nhưng theo ông Phạm Tiến Dũng, rất cần sự đổi mới, sự quản lý dữ liệu tập trung của các bộ, ngành, để từ đó các ngân hàng có thể kết nối nhằm thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt. Thực tế triển khai cũng cho thấy, đơn vị cung cấp dịch vụ chưa sẵn sàng, các cơ quan sử dụng các phần mềm khác nhau, không theo chuẩn chung nào.
Theo bà Hương, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công thương và NHNN thúc đẩy áp dụng hóa đơn điện tử trong thương mại điện tử và thanh toán điện tử. Tổng cục Thuế cũng thực hiện tích hợp dịch vụ nộp thuế điện tử của ngành thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 12/3/2020, cho phép người nộp thuế truy cập và thực hiện nộp thuế điện tử thông qua cổng này.
Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, vẫn còn một số vướng mắc, như việc nộp thuế điện tử đối với cá nhân còn nhiều khó khăn, do rào cản thói quen, việc ngại tiếp xúc với công nghệ của người nộp thuế. Về phía các cơ quan nhà nước, việc triển khai dịch vụ công điện tử chưa đồng bộ ở các ngành, đơn vị, dẫn tới doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi không được chấp nhận hồ sơ, chứng từ dùng trong giao dịch với các cơ quan hành chính khác, khi sự phối hợp giữa các cơ quan còn bất cập.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas), thời gian qua, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung ứng dịch vụ để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Sau khi kết nối xong với Tổng cục Thuế, thông tin sẽ được đẩy tới các ngân hàng qua ứng dụng Mobile Banking.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trước mắt, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hành bằng phương thức điện tử...