Thời sự
Tháo nút thắt cuối cùng cho du lịch miền Trung
Sơn Thắng - 09/06/2013 08:46
Các địa phương miền Trung đang nỗ lực cải thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là sân bay, để tháo nút thắt cuối cùng hỗ trợ du lịch phát triển.

Cục diện Sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) sẽ thay đổi khi nhà ga mới được đưa vào sử dụng từ tháng 9 năm nay. Ảnh: Đức Thanh

Khu vực Duyên hải miền Trung, ngoài Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đạt chuẩn quốc tế, có thể tiếp nhận loại máy bay hạng trung trở lên, các sân bay còn lại, như Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hòa… đều đang trong giai đoạn nâng cấp. Nỗ lực này có thể xem là bước đi quan trọng nhất của các địa phương miền Trung trong việc khai thác lợi thế phát triển du lịch của mình, hiện thực hóa chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch trong GDP.

Tại Phú Yên, điều kiện tự nhiên ban tặng cho địa phương này nhiều danh lam thắng cảnh, như Bãi Xếp, Vũng Rô, Mũi Điện, Bãi Môn, Hòn Chùa, cao nguyn Vân Hòa, đầm Ô Loan, Gành Đá Dĩa…, nhưng khách du lịch còn ít biết đến nơi này, chủ yếu do phương tiện đi lại chưa thuận lợi.

Ông Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tiềm năng phát triển du lịch còn quá lớn, nhưng để khai thác hết tiềm năng này, đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống giao thông, đặc biệt là Sân bay Tuy Hòa.

Theo ông Nhất, dự kiến đầu tháng 9/2013, Sân bay Tuy Hòa sẽ khánh thành nhà ga mới. Qua đó, có thể nâng tần suất bay và có thể tiếp nhận những loại máy bay hạng trung, tạo điều kiện cho du khách đến với Phú Yên.

“Hiện nay, Sân bay Tuy Hòa vẫn hoạt động, nhưng chỉ đón loại máy bay cánh quạt, với thời gian bay dài hơn, chi phí quá cao, điều này đã gây quan ngại cho du khách đến với Phú Yên. Tần suất bay TP.HCM - Tuy Hòa và chiều ngược lại chỉ có 9 chuyến/tuần, còn tuyến Hà Nội - Tuy Hòa chỉ có 5 chuyến/tuần”, ông Nhất cho biết.

Bên cạnh Phú Yên, Sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đang khai thác với tần suất bay khá tốt, một phần nhờ điều kiện hạ tầng sân bay này đã được đầu tư nâng cấp khá tốt. Chính nhờ cảng hàng không này, lượng khách đến với Nha Trang ngày một tăng, thương hiệu du lịch của Nha Trang cũng ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Gần đây nhất, Vietnam Airlines đã chính thức khai trương đường bay mới Cam Ranh - Mátxcơva (Liên bang Nga). Việc này góp phần quan trọng vào việc phát triển đường bay mới của ngành hàng không Việt Nam và tăng cường tiềm năng du lịch của Nha Trang và các tỉnh miền Trung nói riêng, Việt Nam nói chung.

Thời gian đầu, mỗi tuần có 1 chuyến bay Nha Trang - Mátxcơva và ngược lại. Đến tháng 10 tới sẽ tăng 2 chuyến/tuần và phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ tăng lên 3 chuyến/tuần.

Theo nhận định của giới kinh doanh du lịch, thị trường khách Nga hiện nay là một trong những thị trường đầy tiềm năng. Du khách đến từ Nga thường lưu trú dài ngày và chỉ số chi tiêu khá cao. Chưa kể, Nga là thị trường truyền thống của Việt Nam, nên phần lớn người Nga rất yêu đất nước và con người Việt Nam. Đây là lợi thế để du lịch miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung xây dựng chiến lược phát triển tại thị trường này trong thời gian tới.

Ngược ra phía Bắc của dải miền Trung, Sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cũng đang gấp rút triển khai nâng cấp đường bay. Trước đây, Sân bay Phú Bài đã hoạt động, nhưng không đáp ứng được nhu cầu khá lớn của du khách đến địa phương này.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã tạm đóng cửa Cảng hàng không quốc tế Phú Bài trong thời gian 8 tháng, từ ngày 20/3 đến hết ngày 20/11/2013, để sửa chữa đường cất hạ cánh. Tổng chi phí sửa chữa đường băng Sân bay Phú Bài là 500 - 600 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư.

Sự cần thiết của hạ tầng hàng không đã và đang được các nhà đầu tư du lịch đặc biệt quan tâm. Ông Shoji Nishikawa, Chủ tịch Tập đoàn P&I Enterprise (Nhật Bản), chủ đầu tư Khu nghỉ dưỡng Pulchra Đà Nẵng cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch của miền Trung Việt Nam là rất lớn. Bãi biển cát trắng, sạch, danh lam thắng cảnh trải đều, di sản văn hóa, di tích Champa… là những yếu tố quan trọng nhất thu hút các nhà đầu tư.

Theo ông Shoji Nishikawa, nếu xét về điều kiện phát triển, miền Trung Việt Nam còn lớn hơn so với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng khác, như Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan)…, nhưng du lịch miền Trung Việt Nam chưa thể cất cánh, bởi nút thắt giao thông.

“Muốn du lịch được quảng bá rộng rãi và thu hút nhiều du khách, đầu tiên phải xây dựng hệ thông giao thông khá tốt, tạo điều kiện đi lại cho du khách. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần đầu tư mạnh hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hàng không. Bên cạnh đó, tăng cường mở các chuyến bay quốc tế, đến các thị trường tiềm năng, như Đông Bắc Á, châu Âu…”, ông Shoji Nishikawa góp ý.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Ông Lê Hữu Lộc

Bình Định cần có dự án mang tính động lực, tạo sức bật cho du lịch phát triển.

Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Cũng như nhiều địa phương Duyên hải miền Trung khác, Bình Định sở hữu bờ biển dài, hội tụ di tích văn hóa Champa đặc trưng, quy tụ nhiều sản phẩm mang tính đặc thù như võ cổ truyền, dân ca cổ truyền, lễ hội văn hóa truyền thống, kết hợp với điều kiện hạ tầng hỗ trợ tương đối hoàn thiện, như cảng biển, sân bay… Tuy nhiên, du lịch Bình Định vẫn chưa phát huy hết lợi thế của mình, chưa có các dự án du lịch tầm cỡ và quan trọng hơn, Bình Định còn thiếu những điểm vui chơi, giải trí tạo nên sản phẩm du lịch phụ trợ để thu hút du khách.

Bình Định đang cần rất nhiều, như nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng, bảo tồn và nâng cấp các điểm du lịch; cần có những dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hỗ trự du lịch, tạo các điểm vui chơi, giải trí để thu hút và giữ du khách… Tuy nhiên, điều mà tỉnh cần nhất hiện nay là phải có một dự án du lịch mang tính động lực, tạo nên thương hiệu riêng cho Bình Định. Có như vậy, du lịch Bình Định sẽ có định hướng phát triển rõ ràng hơn, du khách biết đến nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Cao

Quy hoạch du lịch đúng hướng để phát triển toàn diện là chiến lược của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2025 sẽ được xây dựng trên cơ sở tiếp cận tổng hòa, với mục tiêu mở ra một tầm nhìn mới, một tư duy mới, tạo bước đột phá căn bản, trước hết là trong tư duy chiến lược về sự phát triển cho du lịch Huế, để từ đó có những hướng dẫn, cách thức thực hiện và xây dựng thương hiệu điểm đến Huế, đưa Huế trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực.

Mục tiêu chung cần hướng đến là phát huy lợi thế về tiềm năng tự nhiên, xã hội và nhân văn, xây dựng hệ thống chỉ tiêu, giải pháp nhằm tạo sự đột phá trong phát triển du lịch Huế. Xây dựng sản phẩm thương hiệu cho du lịch Huế, hình thành khung phát triển hỗ trợ, tăng thêm sự thuận tiện cho môi trường đầu tư du lịch.

Định hướng phát triển của du lịch Thừa Thiên Huế phải phù hợp với những mô hình phát triển du lịch bền vững, theo xu hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, đề xuất xây dựng mô hình Huế - một công viên tự nhiên, hiện thực hóa khái niệm nông thị…

Ông Trần Quang Nhất

Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng hỗ trợ du lịch phát triển.

Ông Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

Quan điểm của Đảng ủy, UBND tỉnh Phú Yên là tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thu hút những dự án đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.

Tỉnh Phú Yên đã và đang được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất có thể để triển khai những dự án hạ tầng quan trọng, như Dự án nâng cấp Cảng hàng không Sân bay Tuy Hòa, Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A… Đây là những dự án hạ tầng chiến lược, giúp địa phương có những lợi thế nhất định trong định hướng thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

Phú Yên kỳ vọng rằng, Dự án Lọc dầu Vũng Rô sẽ được triển khai xây dựng trong năm nay, tạo bước đệm để thu thút các dự án quan trọng khác đến với Phú Yên, đặc biệt là các dự án du lịch.

Xét về du lịch, có thể nói, Phú Yên có những bước đi chậm hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác, nhưng chúng tôi tin rằng, với điều kiện tự nhiên hiện có cùng với nỗ lực của địa phương, Phú Yên sẽ là miền đất lành cho nhiều nhà đầu tư du lịch tên tuổi tìm đến trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác