Điểm nóng
Thao túng chứng khoán, Chủ tịch Louis Holdings trục lợi 153 tỷ đồng
Huệ Nguyễn - 20/09/2022 10:10
Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings thừa nhận hành vi thao túng thị trường chứng khoán với (mã BII và TGG), thu lời bất chính hơn 153 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận đề nghị truy tố bị can Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings; Đỗ Đức Nam, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thu Hương; Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thùy Liên, nhân viên dịch vụ tài chính và Trịnh Thị Thúy Linh; Giám đốc hành chính Louis Holding cùng về tội "Thao túng thị trường chứng khoán".

Theo kết luận điều tra, Công ty CP Louis Holding (tiền thân là Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu Louis Rice; Công ty Louis Argo) do ông Đỗ Thành Nhân làm chủ tịch HĐQT.

Từ năm 2020 - 2021, Louis Holdings mua cổ phần sở hữu, chi phối thêm nhiều công ty, trong đó có 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo nhóm "hệ sinh thái" Louis Holdings.

Ông Nhân đứng tên đại diện pháp luật ba công ty gồm Công ty CP Louis Holdings, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM), Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (mã LDP).

Các công ty còn lại, ông Nhân sử dụng các cá nhân là cổ đông, bạn bè, nhân viên thân tín đứng tên.

Hoạt động của các công ty thuộc "hệ sinh thái" Louis Holdings đều do ông Nhân chỉ đạo, điều hành, trong đó Công ty Louis Holdings là trung tâm điều phối toàn bộ mọi hoạt động đầu tư tài chính, cân đối dòng tiền để duy trì hoạt động.

Cuối năm 2020, ông Nhân gặp ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư (là công ty hoạt động kinh doanh yếu kém, có nguy cơ hủy niêm yết, mã chứng khoán BII) thỏa thuận về việc ông Dũng chuyển nhượng công ty cho ông Nhân.

Ông Dũng giới thiệu ông Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt (mã TVB) cho ông Nhân để ông Nam xử lý cho Nhân vay tiền mua cổ phiếu BII.

Sau khi thỏa thuận, thống nhất với ông Nam, tháng 1/2021, ông Nhân và các cá nhân là người thân, nhân viên của ông Nhân đã mua 9 triệu cổ phiếu BII của ông Dũng (đứng tên ông Đỗ Cần).

Đến tháng 2/2021, được sự tư vấn của ông Nam, ông Nhân tiếp tục mua bán, thâu tóm cổ phiếu "rác" mã TGG (Công ty cổ phần Trường Giang) trên sàn với khoảng giá 1.800 đồng/cổ phiếu và sử dụng các tài khoản trong nhóm Đỗ Thành Nhân giao dịch mua bán, tăng tính thanh khoản, làm giá cổ phiếu BII và TGG.

Bị can Đỗ Thành Nhân.

Để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với mã BII và TGG, ông Nhân đã bàn bạc thỏa thuận, thống nhất với ông Đỗ Đức Nam về việc mở, sử dụng nhóm các tài khoản chứng khoán đăng ký đứng tên các cá nhân là bạn bè, cổ đông, người thân của ông Nhân để mua bán thâu tóm cổ phiếu và giao dịch mua bán, khớp lệnh, làm tăng tính thanh khoản và đẩy giá cổ phiếu mã BII và TGG tăng cao để thu lợi bất chính đầu tư, thâu tóm các công ty khác như Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (mã cổ phiếu AGM), Công ty CP SAMETEL (mã cổ phiếu SMT), Công ty CP Cáp nhựa Vĩnh Khánh (mã cổ phiếu VKC), Công ty CP DAP-VINACHEM (mã cổ phiếu DDV), Công ty CP Chứng khoán APG (mã cổ phiếu APG), Công ty CP Dược Lâm Đồng (mã cổ phiếu LDP), tạo "hệ sinh thái Louis Holdings".

Ông Nhân và ông Nam thống nhất với nhau về việc khớp lệnh giao dịch, số lượng, khối lượng, thời gian khớp lệnh cổ phiếu, nguồn tiền, dòng tiền luân chuyển vào các tài khoản chứng khoán để mua, bán theo kịch bản từng giai đoạn diễn biến giá cổ phiếu.

Ông Nam sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo nhân viên thuộc Công ty Chứng khoán Trí Việt thao tác khớp lệnh mua, bán nội bộ, mua bán chéo, khớp lệnh tạo giá đóng cửa ATC, mua bán thỏa thuận... đối với mã chứng khoán BII và TGG cho nhóm tài khoản Đỗ Thành Nhân và xử lý nguồn tiền từ Công ty CP Tập đoàn quản lý tài sản (QLTS) Trí Việt cho nhóm ông Nhân vay để giao dịch, mua bán các mã chứng khoán này.

Ông Nhân chỉ đạo các nhân viên, người thân đứng tên trong nhóm thực hiện việc nhận tiền, chuyển tiền, nộp rút tiền vào các tài khoản chứng khoán để thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu BII, TGG.

Sau khi thống nhất với ông Nam, ông Nhân đăng ký mở hai tài khoản chứng khoán tại Công ty CP Chứng khoán Beta và Công ty Chứng khoán Trí Việt và chỉ đạo các cá nhân liên quan là cổ đông, nhân viên thân tín trong công ty và người thân đăng ký 18 tài khoản chứng khoán mở tại Công ty Chứng khoán Trí Việt và các công ty chứng khoán khác, đưa ông Nhân và ông Nam sử dụng.

Ông Nam chỉ đạo bà Lê Thị Thu Hương (Phó tổng giám đốc) ký hợp đồng mở tài khoản chứng khoán và làm thủ tục cho các cá nhân của nhóm ông Nhân ký hợp đồng hợp tác đầu tư vay tiền Công ty QLTS Trí Việt. Sau đó các cá nhân này chuyển thông tin tài khoản, mật khẩu cho ông Nhân và ông Nam để thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán mã BII và TGG.

Quá trình thực hiện, ông Nam chỉ đạo bà Hương và bà Lê Thị Thùy Liên liên tục đặt lệnh, khớp lệnh mua, bán nội bộ, mua bán chéo, khớp lệnh tạo giá đóng cửa ATC, mua bán thỏa thuận... với cổ phiếu TGG và BII, và chỉ đạo bà Hà Thị Phi Yến đặt lệnh mua bán thỏa thuận cổ phiếu TGG và BII cho nhóm Đỗ Thành Nhân.

Hằng ngày, khi phát sinh giao dịch khớp lệnh, ông Nam thông báo và chốt với ông Nhân danh sách, số lượng tiền vào từng tài khoản và ông Nhân chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Linh thực hiện nhận tiền, chuyển tiền, rút, nộp tiền vào các tài khoản chứng khoán trong nhóm ở các ngân hàng khác nhau.

Nguồn tiền để nhóm ông Đỗ Thành Nhân thực hiện việc mua bán, khớp lệnh với các mã BII và TGG chủ yếu là nguồn cho vay của Công ty QLTS Trí Việt do Đỗ Đức Nam và hội đồng thẩm định QTRR Công ty QLTS Trí Việt phê duyệt, giải ngân và nguồn tiền quay vòng, luân chuyển giữa các tài khoản ngân hàng của cá nhân trong nhóm Đỗ Thành Nhân sau khi bán, mua các chứng khoán BII, TGG.

Vào cuối mỗi tháng, ông Nam, Lê Thị Thu Hương chỉ đạo Lê Thị Thùy Liên, Hà Thị Phi Yến in và tập hợp các chứng từ đặt lệnh mua, bán cổ phiếu, chứng từ vay nợ và chuyển cho các cá nhân thuộc nhóm tài khoản chứng khoán của Đỗ Thành Nhân ký xác nhận để hợp thức thủ tục lưu hồ sơ.

Từ ngày 4/1/2021 đến 6/10/2021, ông Đỗ Thành Nhân và ông Đỗ Đức Nam đã sử dụng nhóm các tài khoản này thực hiện các giao dịch mua bán, khớp lệnh nội bộ, khớp lệnh chéo, khớp lệnh cuối phiên tại giá ATC... tạo cung cầu, giao dịch cổ phiếu giả tạo với số lượng lớn, tăng tính thanh khoản, đẩy giá cổ phiếu BII và TGG tăng cao.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác định từ ngày 4/1/2021 đến ngày 6/10/2021 là thời điểm các đối tượng thực hiện các hành vi mua bán chéo, chốt giá ATC... tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu TGG và BII, khoản thu lời bất chính, trái pháp luật từ hành vi thao túng giá đối với cổ phiếu TGG và BII của nhóm Đỗ Thành Nhân là 153,8 tỷ đồng.

Trong đó, với mã BII, nhóm tài khoản chứng khoán của Đỗ Thành Nhân đã thu lời 63 tỷ đồng, với mã TGG, nhóm tài khoản chứng khoán của Đỗ Thành Nhân đã thu lời 90,7 tỷ đồng.

Hiện cơ quan điều tra đang tập trung lực lượng để củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra, truy tìm và thu hồi triệt để tài sản cho các nhà đầu tư.

Thời điểm tháng 9/2021, nhóm cổ phiếu thuộc nhóm Louis liên tục tăng cao, một số phiên liên tiếp tăng giá trần. Đáng chú ý nhất, sau khi đại gia buôn gạo Đỗ Thành Nhân và nhóm cổ đông liên quan đến Louis Holdings thâu tóm, Đầu tư và xây dựng Trường Giang (TGG) đổi tên thành Louis Captial. Cũng từ đây, TGG trở thành tâm điểm khi kéo tăng trần hàng chục phiên.

Cổ phiếu TGG đã có khoảng thời gian tăng phi mã, lập đỉnh 74.800 đồng vào tháng 9/2021, tăng 6.000% so với thị giá 1.200 đồng hồi đầu năm.

Đến thời điểm tháng 11/2021 thì ông Nhân có đơn từ nhiệm, rút vốn và rời khỏi hội đồng quản trị TGG. Hàng loạt cổ phiếu khác liên quan đến ông Nhân và "nhóm Louis" bỗng thành "siêu cổ", nối nhau lập đỉnh giữa tháng 9 này, với mức tăng từ 150 - 600% so với hồi đầu năm.

Sau khi nhóm cổ phiếu liên quan đến ông Nhân được "thổi" lên mức giá cao không tưởng thì những phiên liên tiếp rớt giá thê thảm, giảm sàn 5 - 6 phiên liên tục "nhốt nhà đầu tư".

Thời điểm đó nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề bởi nhóm cổ phiếu nhóm Louis quay đầu lao dốc, mỗi ngày có 20 - 30 triệu cổ phiếu dư bán sàn, trắng bên mua, mất thanh khoản.

Trong đó, BII (Louis Land) có mức biến động giảm sâu nhất (-40%) trong "họ Louis". Các mã còn lại như TGG (Louis Capital), APG (Chứng khoán APG), AGM (Xuất nhập khẩu An Giang), SMT (Sametel), TDH (Thu Duc House), DDV (Dap - Vinachem), VKC (Cáp nhựa Vĩnh Khánh) có mức giảm từ 15 - 30%.

Tin liên quan
Tin khác