Ngân hàng
Thập kỷ giá vàng phi mã đã kết thúc
Minh Nhung - 07/10/2013 07:21
Giá vàng đã tăng cao, tăng liên tục trong suốt 1 thập kỷ, từ năm 2002 đến 2011. Tuy nhiên, năm 2012, giá vàng chỉ tăng nhẹ và bắt đầu giảm từ đầu năm nay.

Giá vàng tháng 12/2011 đã cao gấp 8,62 lần tháng 12/2001, tăng bình quân 24%/năm. Đó là thập kỷ giá vàng tăng “phi mã”, vàng bỏ ống cũng có lãi. Đây có thể là một yếu tố góp phần làm cho tình trạng vàng hoá nền kinh tế của Việt Nam vào loại rất cao, với lượng vàng trong dân có thời điểm ước tính lên đến trên dưới 500 tấn.

Giá vàng tăng cao, tăng liên tục trong suốt 1 thập kỷ, từ năm 2002 đến 2011, nhưng đã giảm từ năm nay

Tuy nhiên, giá vàng năm 2012 đã tăng chậm lại rất nhanh (chỉ tăng 0,4%) và 9 tháng đầu năm 2013 đã giảm tới 18,6%.

Giá vàng hiện nay so với lúc đỉnh điểm đã giảm 24,2%. Có thể nhận định rằng, “thập kỷ của giá vàng” đã kết thúc.

Giá vàng ở thị trường trong nước giảm do nhiều yếu tố.

Yếu tố quan trọng nhất là giá vàng trên thị trường thế giới đã sụt giảm mạnh.

Giá vàng thế giới ngày 5/10 ở mức 1.315 USD/ounce, giảm 30% so với đỉnh điểm (trên 1.900 USD/ounce).

Trong khi đó, những căng thẳng tài chính trên thế giới có xu hướng lắng dịu. Tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu khả quan hơn. Những nước nhập khẩu lớn vàng trước đây nay giảm nhập…

Theo dự đoán của nhiều tổ chức quốc tế, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới.

Ở trong nước, giá vàng sẽ diễn biến theo xu hướng chung của giá vàng thế giới. Hơn nữa, giá vàng trong nước còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố như nhu cầu tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại về cơ bản đã hoàn tất; nhu cầu của người dân cũng không còn lớn, khi lạm phát cơ bản được kiềm chế theo mục tiêu, giá USD cơ bản ổn định, gửi tiết kiệm hiện vẫn được người dân lựa chọn…

Tuy nhiên, hiện có một số vấn đề cần lưu ý. Khi vàng được xem như tiền tệ, thì Ngân hàng Nhà nước là người mua, bán cuối cùng để thực hiện chức năng quản lý. Nhưng vàng còn là hàng hoá (hàng hoá đặc biệt), nên cần thực hiện cơ chế thị trường, cần có sự liên thông với thị trường thế giới.

Một vấn đề khác là tỷ giá, bởi giá vàng ở trong nước tính bằng VND, còn giá vàng thế giới tính bằng USD. Nếu chênh lệch giá vàng ở trong nước và ở thị trường thế giới còn lớn, thì có thể làm cho tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên, kéo tỷ giá trên thị trường chính thức tăng theo.

Một vấn đề nữa là kiềm chế lạm phát và giá vàng (cũng như giá USD) có quan hệ với nhau khá chặt chẽ. Lạm phát thấp có sự đóng góp của việc giảm giá vàng, ổn định tỷ giá; ngược lại, giá vàng giảm giá và tỷ giá ổn định cũng có nguyên nhân quan trọng là do lạm phát được kiềm chế. Vì vậy, cần kiên định và nhất quán với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Tin liên quan
Tin khác