Theo mục tiêu mà NHNN đặt ra, đến năm 2025, tối thiểu 50% khoản vay nhỏ lẻ được số hóa hoàn toàn. |
Vừa làm, vừa lo hợp đồng vô hiệu
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV cho hay, hiện chưa có quy định về hợp đồng tín dụng điện tử. Dù ngân hàng đã vận dụng linh hoạt các quy định hiện tại, song cũng chỉ mới số hóa hoàn toàn được với một số sản phẩm vay nhỏ lẻ. Còn với đa phần khoản vay, ngân hàng mới “số hóa một nửa (nộp đơn vay và một số giấy tờ online), còn bước quyết định để giải ngân, khách hàng vẫn phải trực tiếp ra quầy để ký chữ ký tươi, gặp mặt nhân viên ngân hàng và ngân hàng vẫn phải lưu trữ hồ sơ cứng.
Thời gian qua, các ngân hàng rầm rộ triển khai hoạt động bán lẻ, song với các khoản vay nhỏ lẻ, chi phí vận hành rất lớn. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng đang nỗ lực số hóa hoạt động cho vay nhỏ lẻ. Với các công ty tài chính - chủ yếu phục vụ khoản vay nhỏ - yêu cầu số hóa lại càng cấp bách để giảm chi phí, cải thiện hiệu quả hoạt động. Chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng rất khuyến khích tổ chức tín dụng số hóa hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, mặc dù được khuyến khích, song hành lang pháp lý về cho vay điện tử chưa hoàn chỉnh, khiến các doanh nghiệp lúng túng trong việc triển khai.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc Công ty tài chính HD Saison cho hay, mới đây, công ty này tung gói vay 3 tháng không lãi suất để hỗ trợ những người ở khu vực áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thế nhưng, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do người dân không thể ra khỏi nhà, trong khi quy định hiện hành vẫn bắt buộc bên vay và bên đi vay phải gặp mặt để ký hợp đồng cho vay.
Trên thị trường, vẫn có ngân hàng thương mại, công ty tài chính mạnh dạn áp dụng số hóa hoàn toàn với các khoản vay nhỏ lẻ, khách hàng được giải ngân mà không cần đến tận nơi để ký hoàn tất các thủ tục. Tuy vậy, đó chỉ là số ít ngân hàng, công ty tài chính có “khẩu vị” rủi ro cao.
“Chưa có quy định nào công nhận hợp đồng điện tử, chữ ký số, nên nếu xảy ra tranh chấp, ngân hàng vẫn đứng trước nguy cơ bị tòa án tuyên khế ước vô hiệu. Tôi cho rằng, để ngân hàng mạnh dạn số hóa hoạt động cho vay nhỏ lẻ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng sửa đổi các quy định về giao dịch điện tử, đăng ký giao dịch đảm bảo trực tuyến, chữ ký số…”, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết.
Theo mục tiêu mà NHNN đặt ra, đến năm 2025, tối thiểu 50% khoản vay nhỏ lẻ được số hóa hoàn toàn. Con số này đến năm 2030 là 70%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ khoản vay nhỏ được số hóa hoàn toàn tại các ngân hàng vẫn còn khá nhỏ bé, do vướng mắc hành lang pháp lý.
Ngân hàng sốt ruột chờ sửa luật
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, các ngân hàng đang đẩy mạnh số hóa, song Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chưa có quy định cho phép hoạt động cho vay điện tử.
Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng đang rất mong ngóng NHNN sửa thông tư trên theo hướng bổ sung các phương thức điện tử trong hoạt động thẩm định, phê duyệt tín dụng với khoản vay nhỏ. Đồng thời, phải có quy định về chữ ký điện tử đối với hoạt động cho vay.
Bên cạnh đó, theo nhiều ngân hàng thương mại, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đang tồn tại quá nhiều bất cập. Cụ thể, Luật chưa quy định về hợp đồng điện tử trong hoạt động cho vay, chưa rõ ràng về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, định danh và xác thực điện tử, bắt buộc phải lưu trữ tài liệu cứng thay vì tài liệu điện tử…, khiến ngân hàng vừa triển khai số hóa cho vay, vừa thấp thỏm lo lắng hợp đồng bị tuyên vô hiệu nếu xảy ra tranh chấp.
“Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đang có nhiều điểm không thích hợp với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng 4.0, xu hướng số hóa mạnh mẽ của ngân hàng, khiến các ngân hàng khó triển khai sản phẩm số”, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV khẳng định.
Theo các tổ chức tín dụng, với các khoản vay lớn, việc áp dụng quy trình vay chặt chẽ là để tránh rủi ro. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, những khoản vay tín chấp nhỏ lẻ cũng phải áp dụng các quy trình thẩm định, phê duyệt, giao kết hợp đồng, kiểm tra sau vay… như các khoản vay ngàn tỷ đồng là rất tốn kém.
Thừa nhận các văn bản vẫn thiếu sự đồng bộ, hệ thống, đại diện NHNN cho biết, NHNN đang xem xét sửa đổi Thông tư 39, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch đảm bảo 2005 để gỡ khó cho ngân hàng.
Mặc dù vậy, NHNN cho hay, việc gỡ khó cho các tổ chức tín dụng vẫn phải trên cơ sở tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng và các bộ luật khác, đồng thời trên tinh thần đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng.
Cuối năm nay, OCB dự kiến triển khai sản phẩm đầu tiên về cho vay thế chấp bất động sản với mức độ số hóa 90%, còn 10% vẫn phải thực hiện theo phương thức truyền thống (công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo). Tôi cho rằng, cho vay là sản phẩm đặc biệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên với một số sản phẩm, bên đi vay và ngân hàng vẫn phải gặp mặt trực tiếp một lần để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB