Khi các ngân hàng yếu kém đã được thu dọn khá gọn gàng, hệ thống hoạt động ổn định trở lại, nhiều người lại băn khoăn tự hỏi: "việc NHNN mua ngân hàng với giá 0 đồng có đúng không, có phạm luật không, có tốn kém ngân sách không và có cần thiết hay không".
Từ câu chuyện hôn nhân thất bại GPBank - UOB
Còn nhớ, tháng 9/2013, Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đưa tin, khả năng Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore sẽ mua lại lượng lớn cổ phần của Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) nếu được cấp có thẩm quyền cho phép. Trước đó, NHNN khẳng định đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu GPBank trên cơ sở có sự tham gia vốn của TCTD nước ngoài.
Thế nhưng, hơn một năm sau, khi việc đàm phán gần như hoàn tất, thì đùng một cái, thương vụ được thông báo đã chính thức thất bại. Trả lời báo chí đầu năm nay, ông Phạm Quyết Thắng, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng cho rằng, hai bên “có duyên” mà chưa “có phận", rằng: "do lợi ích quốc gia và của GP.Bank chưa được đối tác đánh giá hợp lý nên thương vụ chưa thành công".
Thế nhưng, câu chuyện thực tế không hẳn là như vậy. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trường hợp GPBank và UOB dù đã đàm phán hợp đồng xong xuôi, song "sau một đêm nghĩ lại", lãnh đạo GPBank lại không đồng ý bán bởi cho rằng tài sản của mình có giá hơn thế. Cuộc mặc cả nhùng nhằng kéo dài chưa biết sẽ dẫn GPBank đi tới đâu, nếu không có "bàn tay sắt" của NHNN nhảy vào, quyết định mua ngân hàng này với giá 0 đồng. Câu chuyện dùng dằng xử lý của GPBank cũng là tình trạng chung của các ngân hàng 0 đồng.
“Tất cả ngân hàng bị mua 0 đồng trước đó đều đã được cho thời hạn khắc phục trong hai năm, nhưng họ cũng không gượng dậy được. Lúc này, cần phải NHNN ra tay, chấm dứt những trò mặc cả, chây ì, coi thường quá trình phục hồi kinh tế của toàn quốc gia”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Cũng có ý kiến cho rằng, NHNN “dại” vì ôm các ngân hàng yếu kém vừa “nhọc lòng” vừa mang tiếng, lẽ ra NHNN có thể yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước đảm nhận công việc này. Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia, chẳng ngân hàng thương mại nào muốn ôm các ngân hàng yếu này. Ấy là chưa kể, những ngân hàng yếu kém không chỉ mập mờ về báo cáo chất lượng tài sản, mà còn rất “tự kiêu”, cho rằng tài sản của mình quý giá như vàng nên nếu để hai bên tự thỏa thuận, quá trình sẽ kéo dài hàng năm trời, đe dọa sự an toàn của toàn hệ thống..
TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích: “Không có Nhà nước nào dại cả. Tuy nhiên, chúng ta đã chấp nhận nhà nước "dại" để nhân dân khôn”.
Giải thích lý do NHNN mua ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, các chuyên gia cho biết, NHNN đã mời kiểm toán quốc tế và các công ty định giá độc lập đến định giá ngân hàng. Kết quả cho thấy, nợ xấu đã lớn gấp 2, 3 lần vốn tự có của ngân hàng. Ở các nước, với trường hợp này, thường cơ quan nhà nước sẽ phát lệnh phá sản ngân hàng. Song ở nước ta, để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, NHNN đã mua lại với mức giá cao hơn cả mức giá thị trường: 0 đồng cho ngân hàng âm vốn.
Việc phục hồi ngân hàng 0 đồng là “trong tầm tay”
Cho đến nay, vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất là liệu ngân sách đã phải chi ra bao nhiêu tiền để bù đắp cho khoản thua lỗ của những ngân hàng 0 đồng và bao lâu thì có thể thu hồi số tiền đã bỏ ra đó?
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thực ra NHNN không tốn đồng nào. “Họ mua không phải là “xòe tiền” ra mua lại tài sản, mà mua là để chấn chỉnh lại hệ thống của ngân hàng đó, sau đó bán lại cho một ngân hàng khỏe mạnh hơn. Trong trường hợp đặc biệt, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn đặc biệt đối với ngân hàng này. Do đó những ngân hàng được mua 0 đồng cho đến giờ vẫn hoạt động khá ổn định”.
Ông Trương Văn Phước thông tin thêm, Việt Nam không có cơ chế hạch toán giữa tài sản có và tài sản nợ. Trên thực tế, nhiều tài sản thế chấp của ngân hàng khi đánh giá soán xét bị loại ra (do không có hồ sơ pháp lý hoàn chỉnh) nhưng thực ra vẫn có giá trị đảm bảo. Tình trạng tương tự đã xảy ra ở Eximbank trước đây: nhiều tài sản đảm bảo được coi là không có cơ sở pháp lý, bị loại khỏi danh mục tài sản đảm bảo (đồng nghĩa với việc ngân hàng mất tiền) song hai năm sau, chỉ riêng một tài sản đảm bảo đã được Eximbank bán thành công với giá trên 200 tỷ đồng. Với ví dụ đó, TS. Trương Văn Phước cho rằng, việc tiếp tục thu lỗ của các ngân hàng trong diện 0 đồng đó là chắc chắn.
“Nếu nói ngân hàng 0 đồng đã có lãi là không trung thực. Thế nhưng, các ngân hàng này chỉ vài ba năm là ngưng lỗ và chuyển dần sang có lãi. Việc phục hồi ngân hàng 0 đồng là trong tầm tay”, TS. Phước tin tưởng.
Theo số liệu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, đến thời điểm này, 9 ngân hàng yếu kém đã có bước phục hồi đáng kể: vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này đã tăng 18%, vốn huy động đã tăng 147%, tín dụng tăng 87%, dự phòng rủi ro tăng 146%.
Cơ sở mua 0 đồng: Từ Luật đến quyết định đều đã có
Liên quan đến ý kiến cho rằng, việc NHNN mua lại ngân hàng với giá 0 đồng là không có cơ sở pháp lý, TS. Trương Văn Phước khẳng định, thời gian qua, NHNN mua lại 3 NHTMCP gồm Ngân hàng Xây Dựng, Dầu khí Toàn cầu và Đại Dương với giá 0 đồng/cổ phần bởi vì các ngân hàng đã không còn vốn chủ sở hữu. Các ngân hàng này không còn vốn chủ sở hữu là do kinh doanh thua lỗ và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu. Việc NHNN buộc phải mua các ngân hàng yếu kém là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp nào khả thi hơn trong điều kiện không áp dụng giải pháp phá sản ngân hàng.
Việc NHNN mua lại một số ngân hàng yếu kém trong thời gian qua là có cơ sở pháp lý vững chắc, cụ thể:
Điều 149 Luật Các TCTD quy định: NHNN có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt. NHNN có quyền trực tiếp hoặc chỉ định TCTD khác góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của NHNN nói trên hoặc khi NHNN xác định số lỗ lũy kế của TCTD đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Còn Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 nêu rõ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt (Quyết định 48). Quyết định 48 giao cho Thống đốc NHNN có thẩm quyền quyết định: Chỉ định TCTD tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc trực tiếp tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Thống đốc NHNN cũng là người có thẩm quyền quyết định số vốn mà TCTD được chỉ định hoặc NHNN cần tham gia góp vốn, mua cổ phần, các hình thức góp vốn, mua cổ phần và thời gian thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần vào TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Bên cạnh đó, Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 sau khi đã được Bộ Chính trị và Chính phủ chấp thuận.
Theo đó, sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm khả năng chi trả, TCTD yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thể thực hiện được một cách tự nguyện, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc đối với TCTD yếu kém.
Trong giai đoạn hiện nay, chưa áp dụng phá sản TCTD theo quy định của Luật Phá sản để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên quan điểm không phá sản các TCTD, trường hợp TCTD yếu kém không thể tự cơ cấu lại được thì việc NHNN mua lại, tiếp quản toàn bộ TCTD là cần thiết và là giải pháp cuối cùng để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
"Mục đích NHNN mua lại NHTM yếu kém không vì mục đích kinh doanh mà nhằm mục tiêu bảo đảm sự an toàn, ổn định hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền", TS. Phước nói.