Bắt đầu Kế hoạch 5 năm này, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2011 là 7 - 7,5%, nhưng con số đạt được chỉ là 5,89%. Tương tự, năm 2012, mục tiêu là 6 - 6,5%, thực hiện là 5,03%; năm 2013 là 5,5% và 5,42%.
Trong bối cảnh đó, năm 2014 trở thành năm đầu tiên Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra - 5,8%, thậm chí còn có thể cao hơn. Từ “bước chạy đà” này, chỉ tiêu tăng trưởng trong năm tới đã được đặt ra cao hơn 0,4% so với năm nay. Những thành quả quan trọng của năm 2014 chính là nền tảng cơ bản cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2015.
Hơn thế, ngay ở thời điểm này, đã có thể nhìn thấy khá rõ ràng các động lực và dư địa cho tăng trưởng kinh tế của năm tới.
Trước tiên, đó là sự phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khu vực này những năm qua luôn là đầu tàu kéo nền kinh tế đi lên, còn các động lực khác phần nào chuệch choạc do đối mặt với nhiều khó khăn, gồm cả việc đầu tư kém hiệu quả của không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trong bối cảnh vốn FDI liên tục đổ vào Việt Nam, đặc biệt là xu hướng ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất hàng đầu, thì càng nhiều cơ hội cho Việt Nam gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Không dễ để khẳng định vai trò của chỉ một nhà đầu tư, song việc Tập đoàn Samsung liên tục đổ vốn vào Việt Nam, nếu tính thêm cả dự án 3 tỷ USD sắp tới đã lên tới trên 11 tỷ USD, với kế hoạch tăng cường sản lượng điện thoại di động sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam, sẽ có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm nay, dự kiến, Samsung đóng góp cho tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khoảng 30 tỷ USD.
Việt Nam, theo kết quả khảo sát mới đây là PwC, xếp thứ 7 trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu APEC được tăng cường đầu tư và thứ 6 trong 10 điểm đến hàng đầu của các nguồn vốn tư nhân. Thu hút đầu tư tư nhân tốt sẽ tạo động lực và tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Chưa kể những đóng góp cho tăng trưởng và phát triển từ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, cũng như các khoản đầu tư từ khối doanh nghiệp nhà nước, hay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Năm 2015, một trong những chỉ tiêu quan trọng là tổng vốn đầu tư toàn xã hội được đặt ra là 30 - 32% GDP, cao hơn mức dự kiến đạt được năm 2014 là 30,1% GDP.
Ở một nền kinh tế mà tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư như Việt Nam, khi vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được đẩy lên cao hơn. Chưa kể, cùng với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, với các trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, hiệu quả đầu tư sẽ được cải thiện, nâng cao và đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.
Một động thái khác cần được ghi nhận như một trong những giải pháp sống còn để tạo dư địa cho tăng trưởng, thậm chí là tạo bước đột phá cho sự phát triển của nền kinh tế, đó là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với việc cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện các đột phá chiến lược...
Tất nhiên, những bước đi ban đầu còn chậm, chưa được như kỳ vọng, song khi công cuộc đổi mới quan trọng này được đẩy mạnh và có hiệu quả, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng cao và bền vững không chỉ trong năm 2015, mà còn cả giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Hà Nguyễn