Quốc tế
Thấy gì từ việc Mỹ ngăn chặn thương vụ 15 tỷ USD của Nippon Steel?
Đông Phong - 04/01/2025 16:15
Cạnh tranh và an ninh quốc gia là hai vấn đề chính nổi lên từ việc Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng phản đối việc Nippon Steel mua lại "đế chế" thép US Steel của Mỹ.
Một cơ sở sản xuất của Nippon Steel ở thành phố Kashima, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Tổng thống Biden đã quyết định chặn thương vụ mua lại US Steel trị giá 14,9 tỷ USD của tập đoàn thép Nhật Bản Nippon Steel, tờ Washington Post đưa tin ngày 3/1.

Washington Post Dẫn lời hai quan chức giấu tên cho hay quyết định trên của Tổng thống Biden sẽ được Nhà Trắng dự kiến công bố sớm nhất.

Trước đó, đề xuất liên quan đến việc Nippon Steel mua lại US Steel đã được chuyển đến Tổng thống Biden vào ngày 23/12 sau khi không có được sự đồng thuận từ Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), US Steel cho biết.

Tổng thống Biden có 15 ngày để chấp thuận hoặc ngăn chặn thỏa thuận giữa hai tập đoàn thép hàng đầu của Nhật Bản và Mỹ sau khi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ đệ trình báo cáo đánh giá thỏa thuận lên bàn làm việc của ông chủ Nhà Trắng.

Nippon Steel sau đó muốn lùi thời hạn tiền hành giao dịch mua lại từ quý III hoặc quý IV/2024 sang quý I/2025.

Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ lo ngại rằng sau khi mua lại, Nippon Steel có thể cắt giảm năng lực sản xuất của US Steel, điều này sẽ gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia của Mỹ.

Tờ Washington Post đưa tin rằng Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ đã nêu trong báo cáo đánh giá của mình rằng: "Sản lượng tiềm năng của US Steel bị cắt giảm có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và sự chậm trễ đó có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp quan trọng đối với an ninh quốc gia".

Để xoa dịu nỗi lo đó, Nippon Steel tuần này đã đề xuất trao quyền phủ quyết cho chính phủ Mỹ đối với bất kỳ khả năng cắt giảm năng lực sản xuất nào của US Steel, như một phần trong nỗ lực đảm bảo sự chấp thuận của Tổng thống Biden, Reuters dẫn lời một nguồn thạo tin cho hay.

Nippon Steel cũng đã đưa ra một số nhượng bộ liên quan đến thỏa thuận trên, chẳng hạn như giữ lại trụ sở chính của US Steel tại Pittsburgh, bang Pennsylvania và bố trí công dân Mỹ vào ban lãnh đạo US Steel.

Thỏa thuận mua lại được các cổ đông của US Steel ủng hộ, những người đã bỏ phiếu thông qua vào tháng 4/2024. "Sự ủng hộ áp đảo từ các cổ đông của chúng tôi là minh chứng rõ ràng rằng họ nhận ra lý do chính đáng cho giao dịch của chúng tôi với NSC (Nippon Steel - BTV)", Chủ tịch và CEO của U.S. Steel, ông David B. Burritt, cho biết.

Thế nhưng, những yếu tố đó không đủ để thuyết phục Tổng thống Biden, người từ lâu đã công khai phản đối thỏa thuận này. Vào tháng 3/2024, Tổng thống Biden đã đưa ra một tuyên bố chính thức rằng "điều quan trọng đối với [US Steel] là phải tiếp tục là một công ty thép của Mỹ do trong nước sở hữu và điều hành".

Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đã lên tiếng phản đối việc Nippon Steel đề xuất mua lại US Steel. Cần biết rằng ông Trump sẽ chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào cuối tháng này sau chiến thắng bầu cử vang dội trong năm bầu cử 2024.

"Tôi hoàn toàn phản đối việc US Steel, một công ty từng vĩ đại và hùng mạnh, bị một công ty nước ngoài mua lại, trong trường hợp này là Nippon Steel của Nhật Bản", ông Trump đăng trong bài viết trên mạng xã hội Truth Social vào tháng trước.

Tin liên quan
Tin khác