Trụ sở của Vinaconex tại Láng Hạ (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh |
Lấy xây dựng nuôi đầu tư
Mới đây, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vinaconex đã chính thức chấp thuận đơn từ nhiệm của toàn bộ thành viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát. Đồng thời, Đại hội cũng đã bầu mới Hội đồng Quản trị gồm 7 thành viên và Ban Kiểm soát với 5 thành viên. Trong đó, ông Đào Ngọc Thanh được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Ông Thanh tham gia Hội đồng Quản trị Vinaconex với vai trò là đại diện của cổ đông lớn An Quý Hưng. Đây cũng là một gương mặt khá quen thuộc trong giới xây dựng. Ông hiện là Chủ tịch Cotana Group, Phó chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) - chủ đầu tư Dự án Ecopark.
Lần đầu tiên kể từ khi cổ đông lớn mới An Quý Hưng tiếp quản phần vốn góp hơn 57,7% cổ phần từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Vinaconex, các đại diện của An Quý Hưng đã có một số chia sẻ về các định hướng chiến lược mà họ muốn thực thi tại Vinaconex.
Theo đó, ông Đào Ngọc Thanh cho biết, ông muốn cùng các cộng sự làm một điều gì đó để giữ lại thương hiệu Vinaconex, với kỳ vọng đưa Vinaconex bước vào Top 3 công ty xây dựng của Việt Nam và thương hiệu Vinaconex sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên nóc các tòa nhà lớn.
Bổ sung ý kiến của ông Thanh, ông Nguyễn Xuân Đông, thành viên Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, lĩnh vực xây dựng sẽ được gây dựng để làm trụ đỡ cho Công ty phát triển hoạt động đầu tư - lĩnh vực then chốt trong tương lai của Vinaconex.
Chặng đường còn bộn bề
Những chia sẻ giàu tham vọng của dàn lãnh đạo mới của Vinaconex đã mở ra một bức tranh tương lai khá khái quát cho doanh nghiệp hướng đến. Điều này phần nào tạo ra tâm lý phấn khởi cho các cổ đông nhỏ lẻ. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại cũng cho thấy, nhiệm vụ trước mắt của các tướng lĩnh mới của Vinaconex không hề nhẹ nhàng.
Những thế mạnh dễ nhìn thấy của Vinaconex là thương hiệu truyền thống và khối lượng tài sản khá khổng lồ. Tuy nhiên, tài sản khổng lồ đi kèm với một cơ thể cồng kềnh, nên việc sắp xếp lại khối tài sản này sao cho gọn gàng, thanh thoát cũng là yêu cầu không thể không làm, nếu muốn tăng tốc.
Tính đến thời điểm ngày 30/9/2018, Vinaconex có tổng tài sản hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó, tài sản ngắn hạn là hơn 12.000 tỷ đồng và tài sản dài hạn khoảng 8.000 tỷ đồng. Các nhóm tài sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản ngắn hạn của Vinaconex chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn (hơn 5.542 tỷ đồng) và hàng tồn kho (3.385 tỷ đồng).
Tại thời điểm 30/9/2018, các khoản phải thu ngắn hạn có phần giảm nhẹ so với đầu năm 2018, nhưng dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lại tăng nhẹ, đạt 427 tỷ đồng. Hàng tồn kho tuy giảm, nhưng dự phòng giảm giá hàng tồn kho lại tăng tới 62% so với đầu năm.
Trong cơ cấu tài sản dài hạn, tài sản dở dang dài hạn đã tăng từ 1.492 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 1.911 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2018. Trong các dự án xây dựng dở dang, một số dự án có sự chuyển động như Dự án Khu đô thị Hòa Lạc, Dự án cấp nước tại Viwaco, Dự án xây dựng tại Công ty Bohemia… Trong khi đó, không ít dự án gần như không nhúc nhích trong năm 2018, như Dự án Khu nhà ở Trạm nghiền Xi măng Cẩm Phả, Dự án Tòa C + D Kim Văn - Kim Lũ, Dự án Trung tâm thương mại chợ Mơ, Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà, Dự án 93 - Láng Hạ…
Tháng 12/2018, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có Quyết định số 81243/QĐ-CT-KTT6 về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Vinaconex. Theo đó, Vinaconex phải nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, với số tiền tổng cộng gần 5 tỷ đồng.
Nguyên nhân của việc bị phạt là do doanh nghiệp kê khai sai, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Vinaconex đã thực hiện việc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền nêu trên.