JPMorgan dự đoán giá dầu thô sẽ tăng lên mức 185 USD/thùng vào cuối năm nay nếu nguồn cung dầu mỏ từ Nga vẫn bị gián đoạn. Ảnh: AFP |
Ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Vương quốc Anh) cho rằng, Nga là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Cho nên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh lên hệ thống tài chính Nga vô tình lại dồn giới giao dịch dầu mỏ vào thế khó vì không thực hiện được thanh toán.
Chuyên gia này cho rằng, mặc dù ngành năng lượng Nga không bị Mỹ và các quốc gia khác trừng phạt trực tiếp, nhưng các biện pháp trừng phạt tài chính sẽ khiến thị trường quốc tế hụt mất lượng lớn nguồn cung dầu mỏ từ Nga. Trước đó, Nga xuất khẩu khoảng 7,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế mỗi ngày.
"Đó là sự gián đoạn thực sự lớn về logistics và hiện tượng tranh giành dầu mỏ sẽ diễn ra", ông Daniel Yergin nhận định.
"Đó là một cuộc khủng hoảng nguồn cung, một cuộc khủng hoảng logistics. Đó cũng là một cuộc khủng hoảng thanh toán và điều này có thể xảy ra trên quy mô của những năm 1970", chuyên gia IHS Markit nói thêm.
Ông Daniel Yergin lo ngại, sự kết hợp chặt chẽ giữa các chính phủ trong việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga có thể đẩy thị trường dầu mỏ vào tình thế xấu nhất. Các thành viên của NATO hiện hấp thụ khoảng một nửa lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga.
"Một phần trong số đó sẽ bị gián đoạn", ông Yergin cảnh báo tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Chuyên gia IHS Markit cho rằng, những biện pháp trừng phạt của phương Tây "trên thực tế" lại chặn đường xuất khẩu dầu mỏ của Nga bởi các lệnh trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga và các ngân hàng thương mại, trong đó có việc loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT đã cắt đứt con đường huyết mạch nhận ngoại tệ của các nhà xuất khẩu Nga.
Phía người mua đang cảnh giác giao dịch với dầu mỏ với Nga vì lo ngại hoạt động cảng biển và vận tải "dính" lệnh trừng phạt của phương Tây.
JPMorgan ước tính rằng, 66% lượng dầu mỏ của Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua và giá dầu thô có thể leo lên mức 185 USD vào cuối năm nay nếu nguồn cung dầu mỏ từ Nga vẫn bị gián đoạn.
"Đây có thể là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập và cuộc cách mạng Iran (Cuộc cách mạng Hồi giáo) vào những năm 1970", ông Yergin nói. Cả hai sự kiện đều đã gây ra những cú sốc lớn đối với thị trường dầu mỏ khi đó.
Khủng hoảng dầu mỏ 1973 là thời kỳ giá dầu mỏ tăng cao gây áp lực lớn lên nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ này bắt đầu từ tháng 10/1973 khi các nước thuộc Tổ chức các quốc gia Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ (OAPEC) tuyên bố ban hành lệnh cấm vận hay nói cách khác là quyết định ngừng sản xuất dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur. Đòn giáng của OAPEC đã khiến nguồn cùng dầu mỏ bị thiếu hụt và người Mỹ đã xếp hàng dài để mua xăng trong khi giá xăng tăng vọt.
Các "ông lớn" ngành dầu khí như BP và Exxon Mobil vừa cho biết họ đang rút khỏi các liên doanh với Nga. "Điều chúng ta chưa thấy trước đây là vấn đề danh tiếng, các công ty không muốn làm ăn với Nga. Các công ty dầu mỏ đang từ bỏ các khoản đầu tư lớn, nơi họ có thể đã dành nhiều năm để phát triển hoạt động và tuyển dụng hàng trăm người ở Nga", ông Daniel Yergin nhận định.
"Trong một tuần, ông Vladimir Putin (Tổng thống Nga - BTV) đã phá hủy những gì ông ấy dành 22 năm xây dựng, một nền kinh tế về cơ bản đã hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Đến nay những gì đã xảy ra là Nga bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu", Phó chủ tịch IHS Markit bình luận.
Vị này cho rằng, sự gián đoạn nguồn cung sắp tới có một phần nguyên nhân từ việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, hôm 2/3 quyết định vẫn duy trì các kế hoạch sản xuất cũ và không tăng sản lượng so với mức dự kiến bơm ra thị trường khoảng 400.000 thùng mỗi ngày cho đến khi đạt được mục tiêu vào tháng 6.
Nguồn cung dầu mỏ đứng trước nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng, càng làm gia tăng lo ngại giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng cao, đặc biệt ở châu Âu - nơi mà Nga cung cấp tới 40% lượng khí đốt tự nhiên mỗi năm.
Giá dầu leo thang mạnh mẽ kể từ khi Nga điều xe tăng sang tấn công Ukraine vào ngày 24/2. Dầu Brent hôm qua 3/3 giao dịch trên mức 116 USD/thùng khi thị trường rộ lên thông tin rằng Iran có thể đạt được kết quả trong đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Điều này có thể đưa 1 triệu thùng dầu Iran trở lại thị trường.
Giới phân tích dầu mỏ lúc này nhận định rất khó để đánh giá ngành dầu mỏ Nga sẽ bị ảnh hưởng ra sao bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mặc dù Washington chưa áp lệnh trừng phạt nào đối với ngành năng lượng Nga, nhưng Nhà Trắng thông báo lệnh trừng phạt vẫn luôn sẵn sàng.
Ông John Kilduff, đối tác cấp cao tại Công ty tư vấn đầu tư Again Capital (Mỹ) dự đoán: "Thị trường sẽ hụt mất 2 - 3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Bank of America đã ước tính rằng nguồn cung thị trường cứ hụt 1 triệu thùng dầu, thì giá dầu Brent sẽ tăng thêm 20 USD/thùng". Chuyên gia của Again Capital hy vọng mạch xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ tiếp tục chảy sang thị trường Trung Quốc vì Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga.
Thực chất, "lần này chính chúng ta đang tự cắt nguồn cung dầu mỏ. Đó là hậu quả phản tác dụng của các lệnh trừng phạt", ông Kilduff bình luận. "Lần này, đó là cuộc tấn công từ phía người mua, mà không phải phía nhà cung cấp... Nếu chúng ta không thanh toán được, không thể trả tiền cho bên bán thì sẽ không có chuyện người Nga chấp nhận bán", ông Kilduff lưu ý.