Kết thúc tham vọng mở rộng chuỗi điện máy phía Bắc nhờ Điện máy Trần Anh
Trong quá trình phát triển, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) liên tục mở rộng chuỗi sau thành công của chuỗi Thế giới Di động để tìm động lực tăng trưởng tiếp theo. Trong đó, Công ty đã mở rộng sang các chuỗi Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh, Nhà thuốc An Khang… và đang mở rộng chuỗi điện máy tại Indonesia (EraBlue). Riêng với chuỗi Điện máy Xanh, cửa hàng đầu tiên được mở tháng 12/2010 và đến cuối năm 2017, đã nâng lên 642 cửa hàng và chiếm 30% thị phần điện máy chính hãng.
Bên cạnh việc phát triển chuỗi do mình mở ra, Thế giới Di động còn thực hiện thâu tóm chuỗi Điện máy Trần Anh. Sau khi thông qua chủ trương cuối năm 2017, tới ngày 5/1/2018, Thế giới Di động mua hơn 23,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị đầu tư 823,94 tỷ đồng để sở hữu 95,15% vốn chuỗi Điện máy Trần Anh và tới ngày 9/2/2018 tiếp tục mua thêm 956.081 tỷ đồng để nâng sở hữu lên 99% vốn điều lệ.
Và tính tới cuối năm 2018, Thế giới Di động chính thức hợp nhất là đầu tư vào công ty con là Công ty cổ phần Thế giới Số Trần Anh (đơn vị sở hữu chuỗi Điện máy Trần Anh) với tỷ lệ 99,33%, tương ứng tổng giá trị đầu tư 860,9 tỷ đồng.
Tại thời điểm thâu tóm, Thế giới Số Trần Anh sở hữu chuỗi 36 cửa hàng trải rộng tại miền Bắc (một nửa ở Hà Nội), thị phần điện máy khoảng 17% tại khu vực phía Bắc. Trong khi đó, Thế giới Di động dù sở hữu tới 1.997 cửa hàng ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng chưa có nhiều dấu ấn tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội.
Nhà đầu tư kỳ vọng Thế giới Số Trần Anh sẽ là cánh tay nối dài giúp Thế giới Di động tiếp cận tốt hơn khách hàng ở khu vực phía Bắc. Công ty Chứng khoán TP.HCM ước tính, thời điểm thâu tóm sẽ giúp Thế giới Di động nâng gấp đôi thị phần bán lẻ điện máy tại thị trường Hà Nội từ 15% lên 30%.
Tuy nhiên, hậu thâu tóm, dù Thế giới Di động đã hủy niêm yết Thế giới Số Trần Anh trên sàn HNX, đồng thời thực hiện tái cơ cấu, đưa người vào lãnh đạo với mục tiêu đẩy mạnh chuỗi điện máy tại phía Bắc, nhưng kết quả kinh doanh của Thế giới Số Trần Anh không được như kỳ vọng, doanh thu và lợi nhuận lao dốc so với trước thời điểm tiếp quản.
Cụ thể, trước khi bị thâu tóm, năm 2016, công ty này ghi nhận doanh thu 4.098 tỷ đồng, lợi nhuận 22 tỷ đồng. Nhưng sau thâu tóm, doanh thu và lợi nhuận liên tục lao dốc. Trong đó, năm 2019 ghi nhận doanh thu 138 tỷ đồng, lợi nhuận 10 tỷ đồng; năm 2020 đạt doanh thu 129 tỷ đồng, lợi nhuận 12 tỷ đồng; năm 2021 có doanh thu 129 tỷ đồng, lợi nhuận 14 tỷ đồng; năm 2022 ghi nhận doanh thu 134 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 16 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30/6/2024, Thế giới Di động cho biết, hoạt động kinh doanh của Thế giới Số Trần Anh lỗ lũy kế 46,92 tỷ đồng. Trong bối cảnh đầu tư không hiệu quả như kỳ vọng, giữa tháng 8/2024, Thế giới Di động đã quyết định thông qua việc giải thể Thế giới Số Trần Anh với lý do tái cơ cấu công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.
Như vậy, hành trình với tham vọng thâu tóm Thế giới Số Trần Anh để đẩy mạnh phát triển thị trường điện máy phía Bắc của Thế giới Di động đã chấm dứt sau 7 năm kể từ thời điểm thâu tóm.
Tiếp tục đề án tái cơ cấu “giảm lượng tăng chất”
Thực tế, giải thể Thế giới Số Trần Anh chỉ là một trong nhiều động thái “giảm lượng tăng chất” mà Thế giới Di động đang thực hiện từ cuối năm 2023 tới nay khi kinh doanh lao dốc, muốn cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Đầu tiên phải kể về số lượng cửa hàng, tính từ tháng 6/2023 tới tháng 7/2024, Công ty đã giảm 255 cửa hàng Điện máy Xanh về 2.034 cửa hàng, giảm 152 cửa hàng Thế giới Di động về 1.028 cửa hàng, giảm thêm 150 cửa hàng Nhà thuốc An Khang về 387 cửa hàng…
Chia sẻ về việc đóng cửa hàng loạt Nhà thuốc An Khang gần đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT Thế giới Di động cho biết: “Giống như các chuỗi đàn anh, đàn chị (Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh, Thế giới Di động), Nhà thuốc An Khang đang thực thi tái cấu trúc để xem xét lại từng nhà thuốc, cân nhắc đóng cửa hàng không đạt hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận. Định hướng của Công ty là thu hẹp số lượng cửa hàng để vận hành với chi phí thấp nhất, tiếp đó hoàn thiện mô hình kinh doanh để đạt được kết quả hòa vốn, rồi mới nghĩ đến tăng tốc mở rộng sau”.
Sau nữa, Công ty cũng thông qua việc giải thể Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín và Công ty cổ phần 4Kfarm, với lý do tái cơ cấu nhóm các công ty con nhằm tối ưu việc vận hành. Trong đó, Logistics Toàn Tín đang cung cấp dịch vụ kho bãi, cung ứng hàng hóa cho chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh, Thế giới Di động, Nhà thuốc An Khang... trên toàn quốc và mới được thành lập tháng 11/2021.
Và cuối cùng, về nhân sự, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024, Thế giới Di động đã giảm 5.936 nhân viên, về 59.478 nhân viên (đầu kỳ ghi nhận 65.414 nhân viên). Và nếu nhìn rộng ra, xu hướng giảm nhân sự vẫn tiếp diễn.
Có thể thấy, Thế giới Di động vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc trên diện rộng với mục tiêu “giảm lượng tăng chất” như kỳ vọng đầu năm của Ban lãnh đạo.