Sức khỏe doanh nghiệp
Thế khó của CII với khối nợ lên tới hơn 15.000 tỷ đồng
Nguyễn Duy - 15/10/2022 08:21
Áp lực chi phí tài chính ngày một gia tăng đối với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) khi dư nợ vay gấp 1,78 lần vốn chủ sở hữu và lãi suất tiếp tục xu hướng tăng.

Lãi suất tăng và có thể tiếp tục tăng

Với mức lãi suất cơ bản USD hiện tại từ 3% đến 3,25%, giới chuyên gia dự đoán, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất lên 4,5 - 4,75% vào đầu năm 2023. Khi Fed tiếp tục tăng lãi suất sau dữ liệu báo cáo việc làm tháng 9 tốt hơn kỳ vọng, giới đầu tư càng củng cố quan điểm Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Fed tăng lãi suất, các quốc gia không còn cách nào khác phải nâng lãi suất trong nước để bảo vệ đồng nội tệ và cuộc đua tăng lãi suất trên toàn cầu đang và tiếp tục diễn ra thời gian tới. Tuy nhiên, với việc đã can thiệp mạnh bằng dự trữ ngoại hối trong hơn 9 tháng qua, ước tính dự trữ ngoại hối đang suy giảm mạnh ở nhiều quốc gia.

Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết, khi Fed báo hiệu một cách tiếp cận diều hâu hơn đối với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, các đồng tiền châu Á đã gia tăng mức giảm so với USD trong tháng 9. Áp lực mà các đồng tiền châu Á phải đối mặt sẽ kéo dài trong một quý nữa, nếu không muốn nói là lâu hơn.

Thêm nữa, theo thống kê của Bloomberg, từ đầu năm tới nay, dự trữ ngoại hối trên toàn cầu đã giảm 1.000 tỷ USD, về còn 12.000 tỷ USD. Đây là mức giảm mạnh nhất từ năm 2003 tới nay.

Gánh nặng khối nợ hơn 15.000 tỷ đồng

Thành lập năm 2001, CII được góp vốn bởi 3 cổ đông sáng lập. Song tính tới ngày 28/3/2022, Công ty chỉ còn một cổ đông lớn là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM sở hữu 8,49% vốn điều lệ, 91,51% còn lại thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5%.

Với việc cơ cấu cổ đông pha loãng theo thời gian, trong lần đầu tiên ngày 25/4/2022, Đại hội đồng cổ đông CII đã không thể tổ chức được do chỉ có đại diện cổ đông sở hữu 23,85% vốn điều lệ tham dự. Tới ngày 20/5/2022, với tỷ lệ cổ đông đại diện 33,03% vốn điều lệ, Đại hội đồng cổ đông bất thường mới có thể diễn ra.

Về hoạt động kinh doanh, CII được giới thiệu là công ty tư nhân lớn nhất trong ngành phát triển hạ tầng tại Việt Nam, đang đầu tư phát triển thêm các dự án bất động sản tại TP.HCM, Quảng Ngãi, Quảng Ninh và Bình Thuận. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh liên tục thâm hụt vốn, Công ty gia tăng sử dụng đòn bẩy nợ vay bên ngoài để tài trợ cho quá trình tăng quy mô vốn.

Nếu như thời điểm ngày 31/12/2016, CII chỉ sử dụng 3.572,67 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, bằng 83,1% vốn chủ sở hữu, thì tới ngày 30/6/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn đã tăng lên 15.001,3 tỷ đồng, bằng 178,1% vốn chủ sở hữu. Như vậy, gần 6 năm, Công ty đã tăng nợ vay thêm 11.428,6 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với cuối năm 2016.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) đều ghi nhận lỗ từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2022, CII chỉ thoát lỗ do ghi nhận doanh thu tài chính đột biến. Riêng năm 2021, khi doanh thu tài chính giảm 21,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 292,2 tỷ đồng, chỉ còn 1.069,6 tỷ đồng, Công ty lập tức báo lỗ 105,8 tỷ đồng.

Không chỉ hoạt động kinh doanh cốt lõi liên tục lỗ, dòng tiền hoạt động kinh doanh cũng có dấu hiệu thâm hụt vốn. Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2022, tổng dòng tiền kinh doanh ghi nhận âm 2.058,1 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 6.018,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 6.730,9 tỷ đồng (phát hành thêm cổ phiếu và tăng vay nợ).

Nhu cầu đầu tư mở rộng lớn, hoạt động kinh doanh chính liên tục âm và ghi nhận dòng tiền không đáng kể, để bù đắp thâm hụt dòng tiền, CII đã tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu. Tính tới ngày 30/6/2022, tổng nợ vay mới của Công ty lên trên 15.000 tỷ đồng.

Đáo nợ sớm hay chờ tới đáo hạn dư nợ trái phiếu?

Tính tới ngày 30/6/2022, tổng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn của CII là 1.075,8 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng tài sản. Trong đó, tổng dư nợ vay là 15.001,29 tỷ đồng, bao gồm cả nợ vay ngân hàng, tổ chức tín dụng và phát hành trái phiếu. Công ty thuyết minh, tổng nợ vay và lịch thanh toán trái phiếu trong một năm là 2.584,24 tỷ đồng, trong năm thứ hai là 3.061,21 tỷ đồng, trong năm thứ ba đến năm thứ năm là 3.788,96 tỷ đồng, sau 5 năm là 4.045,42 tỷ đồng.

Riêng đối với trái phiếu đã phát hành, Công ty đang có lịch thanh toán 2.050 tỷ đồng trong vòng một năm, 2.401 tỷ đồng trong vòng năm thứ hai, 872,5 tỷ đồng trong vòng năm thứ ba đến năm thứ năm và 1.150 tỷ đồng sau năm thứ năm. Như vậy, áp lực nợ vay đến hạn và trái phiếu đáo hạn sẽ tăng trong 2 năm tới là 5.645,45 tỷ đồng, bằng 5,25 lần tiền mặt hiện có.

Vấn đề mà các doanh nghiệp trên toàn cầu sử dụng nợ vay lớn đang đối mặt là chi phí ngày một đắt đỏ, việc huy động tiền và thực hiện đáo nợ ngay sẽ có chi phí vốn thấp. Song không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiền mặt mà thực hiện mua lại trái phiếu sắp đáo hạn để có chi phí vốn thấp.

Câu chuyện của các doanh nghiệp trên toàn cầu nhiều khả năng không phải là ngoại lệ đối với CII, khi công ty này đang sử dụng nợ vay lớn, áp lực chi phí lãi vay sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới với mặt bằng lãi suất đang tăng cao. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi nhiều năm vẫn ghi nhận con số âm, chưa có dấu hiệu có lãi.

Tin liên quan
Tin khác