Doanh nghiệp lữ hành mong áp dụng ”hộ chiếu vắc-xin” để hoạt động du lịch sớm quay trở lại. |
Mở đường cho ngành kinh tế xanh
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã bắt đầu cho phép công dân dùng “hộ chiếu vắc-xin” (chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19) để đi du lịch và sử dụng cho các hoạt động khác trong nước. Chứng nhận này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển nội địa và quốc tế trong tương lai, bởi việc kết nối lại các hoạt động đi lại, giao thương trên toàn cầu đang trở nên ngày càng cấp thiết.
Hiện một số nước, tổ chức đã thử nghiệm, áp dụng những công cụ chứng nhận được số hóa với các tên gọi khác nhau. Đơn cử, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã phát triển công cụ chứng nhận sức khỏe điện tử có tên Thẻ thông hành số (Digital Travel Pass), sử dụng trong lĩnh vực hàng không. Liên minh châu Âu (EU) áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số Covid-19 nhằm tạo thuận lợi đi lại trong khối. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Common Project đã phát triển Thẻ thông hành chung (Common Pass). Tập đoàn IBM đã phát triển và đưa vào áp dụng Thẻ thông hành y tế số (Digital Health Pass)...
Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, đã chuẩn bị hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19 theo tiêu chuẩn châu Âu, tại địa chỉ https://travelpass.tourism.vn, nhằm sẵn sàng đón và phục vụ khách ngoại khi hoạt động du lịch quốc tế được mở trở lại. Chứng nhận này được các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế hỗ trợ, đáp ứng đầy đủ quy định về an ninh, an toàn và bảo mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đến và đi của khách quốc tế.
Hệ thống chứng nhận đã được tích hợp lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, giúp quản lý quy trình thủ tục kiểm soát, xác thực, cập nhật hồ sơ y tế của khách quốc tế.
Vừa qua, nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã thực hiện các khảo sát, phân tích dựa trên các ứng dụng chứng nhận an toàn dịch bệnh của các quốc gia và tổ chức trên thế giới, nhằm giới thiệu và đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm hộ chiếu vắc-xin (thẻ thông hành xanh) ở Việt Nam.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký TAB cho hay, hộ chiếu vắc xin là ứng dụng trên điện thoại thông minh, cho phép truy cập và trích xuất nhanh thông tin của người dùng theo thời gian thực. Đồng thời, áp dụng các giải pháp công nghệ sẽ đảm bảo thông tin là chính xác và duy nhất, khó có thể làm giả mạo, góp phần hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ xác nhận y tế phòng dịch Covid-19, giúp phục hồi các hoạt động giao thông vận tải, thương mại, du lịch, sản xuất... trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có thể còn diễn biến lâu dài.
“Giải pháp này hiệu quả không chỉ với du lịch, mà còn là chìa khóa mở cửa nhiều ngành khác, từ thương mại, vận tải, hàng không, dịch vụ, thể thao, văn hóa…”, ông Chính nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, TAB đề xuất thay thế cụm từ “Hộ chiếu vắc-xin” bằng “Thẻ thông hành xanh Việt Nam” nhằm tránh cách hiểu chưa đầy đủ. Hình thức chứng nhận mới này sẽ áp dụng cho di chuyển trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp cần lộ trình, kế hoạch rõ ràng
Khi chiến dịch tiêm chủng đang được triển khai trên diện rộng, ông Chính cho rằng, ngành du lịch nên kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai thí điểm sớm, đồng bộ Thẻ thông hành xanh trên cả nước cho một bộ, ngành làm đầu mối và chịu trách nhiệm. Thực tế đang có ứng dụng sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, xác định người dân tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Đây chính là cơ sở giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát khách nội địa khi họ di chuyển.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group khẳng định, cần triển khai Thẻ thông hành xanh ngay, để những người dân đã được tiêm đủ 2 mũi có thể dễ dàng di chuyển giữa các tỉnh mà không phải cách ly, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu đi lại.
“Thể chế chính sách, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực và xúc tiến hiệu quả là những yếu tố giúp ngành du lịch sớm hồi phục khi Covid-19 đi qua. Đặc biệt, cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hợp thời, bởi sau dịch, du khách cần những trải nghiệm phù hợp thiên về nghỉ dưỡng, tận hưởng… nên cần thống kê, dự báo, định hướng để doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch thích hợp”, ông Phạm Hà nói.
Đồng quan điểm, CEO Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour Trần Thế Dũng cho hay, để một tour khởi hành, doanh nghiệp phải xây dựng sản phẩm, quảng bá, liên kết với các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ khác, rồi điểm đến, xong mới bán tour cho khách. Nhưng nếu trong hành trình tour xuất hiện F0 thì sẽ xử lý ra sao, không thể lại đóng băng như trước đây. “Vì vậy, điều doanh nghiệp cần nhất là một lộ trình, kế hoạch rõ ràng để khởi động lại ngành du lịch của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương giúp cả doanh nghiệp và du khách không bị động; có giải pháp ứng phó rõ ràng trong từng tình huống”, ông Dũng nói.
Cùng với đó, các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất Bộ Y tế cần quy định rõ các đối tượng trên cần chứng nhận tiêm đủ 2 mũi có giá trị bao lâu. Quy trình tiếp xúc, kiểm tra, giám sát, tiếp nhận khách tại sân bay, bến cảng, các trạm kiểm soát để lưu thông thuận tiện người, hàng hóa bảo đảm an toàn theo 5K. Giải pháp này cần được ban hành quy định song song việc cập nhật, thống nhất cơ sở dữ liệu tiêm chủng, an toàn Covid-19 quốc gia với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.