Huyện Bá Thước là một huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa với giao thông cách trở, thời tiết khắc nghiệt, không có sản phẩm nông nghiệp nổi bật nên tỉ lệ nghèo đói vẫn còn cao (chiếm 21%). Chính vì vậy, khi nhận được thông tin về các cây cầu cần được xây dựng tại huyện, đoàn công tác của Nhựa Tiền Phong đã nhanh chóng tiến hành khảo sát tại thực địa và chọn cây cầu làng Xi (xã Lương Trung) để khởi công xây dựng ngay trong tháng 7/2019.
Đoàn công tác của Nhựa Tiền Phong khảo sát thực địa cây cầu cũ tại làng Xi, xã Lượng Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa |
Làng Xi ở xã Lượng Trung, huyện Bá Thước có 145 hộ, với 623 nhân khẩu và hàng ngày có 290 lượt học sinh các cấp đi qua cây cầu ọp ẹp dựng tạm bằng tre nứa để đến trường.
Mỗi mùa mưa lũ đến, cây cầu lại bị cuốn trôi, các hoạt động bị ngừng trệ, người dân phải đối mặt với bữa no bữa đói, việc học tập của các em học sinh bị gián đoạn. Quan trọng hơn, cây cầu này cũng là đường chính của 05 thôn với hơn 1.300 hộ tới các cơ quan hành chính, bệnh xá của trung tâm xã, nên cứ lũ về là các thôn này lại bị cô lập.
Những sự khó khăn, vất vả này sẽ nhanh chóng được giải quyết, bởi ngày 10/7 vừa qua, Nhựa Tiền Phong đã tiến hành khởi công xây dựng cầu làng Xi.
Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong cho biết: “Cây cầu treo làng Xi là cây cầu số 22 trong chuỗi hoạt động của chương trình Cầu nối yêu thương được xây dựng với quy mô dài 40m, rộng 1,5m, kinh phí xây dựng dự kiến khoảng 2 tỷ đồng. Việc xây dựng sẽ được gấp rút hoàn thành trong tháng 9/2019 để các em học sinh có thể bắt đầu năm học mới với sự an toàn, thuận lợi”.
Cũng trong đầu tháng 7 vừa qua, cây cầu số 23 tại xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã được khởi công xây dựng.
Nhựa Tiền Phong cùng chung tay xây dựng cầu nối yêu thương số 23 |
Cây cầu này do Nhựa Tiền Phong phối hợp cùng nhóm Thiện Nguyện Từ Tâm và chính quyền địa phương cùng triển khai xây dựng với quy mô dài 50m, rộng 2,8m, tải trọng 2,5 tấn, thay thế cho chiếc cầu khỉ bấp bênh cũ vốn là tuyến đường huyết mạch, thuận tiện nhất để hơn 250 hộ dân nơi đây di chuyển qua lại hàng ngày.
Kinh phí xây dựng 2 cầu do các nhà hảo tâm là cô giáo Văn Thị Mai cùng tập thể cựu học sinh lớp 8A Trường cấp 1,2 Tân Trào niên khóa 1979-1982; tập thể giáo viên Trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân; cán bộ, nhân viên Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong; nhóm Thiện nguyện Từ Tâm và bà con địa phương đóng góp.
Cây cầu khỉ tại xã Ba Sao huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp được thay thế bằng cây cầu nối yêu thương số 23 |
Dự kiến trong 5 tháng cuối năm, Nhựa Tiền Phong sẽ tiếp tục khảo sát và khởi công xây dựng các cây cầu tại Nghệ An, Quảng Bình và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.