Hôm nay (1/8), Agribank bất ngờ thông báo tăng lãi suất huy động. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này tăng lãi suất sau gần 2 năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng của Ngân hàng được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm, lên mức 1,8%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng đồng loạt tăng thêm 0,3%/năm, lên mức 2,2%/năm. Trong khi đó, các kỳ hạn từ 6-9 tháng có lãi suất mới là 3,2%/năm sau khi tăng thêm 0,2%/năm. Agribank giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12-18 tháng ở mức 4,7%/năm, tuy nhiên lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng trở lên lại tăng thêm 0,1%/năm lên 4,8%/năm.
Như vậy, từ tháng 4/2024 đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại trên thị trường đã tăng lãi suất huy động. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2024 có 19 ngân hàng tham gia tăng lãi suất huy động.
Trong ngày đầu tháng 8/2024, ngoại trừ Agribank còn có HDBank đã tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-5 tháng đồng loạt được niêm yết tại mức 3,55%/năm sau khi tăng 0,3%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 5,1%/năm. Lãi suất ngân hàng các kỳ hạn còn lại được HDBank giữ nguyên.
Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm đang có chiều hướng giảm. Hôm nay (1/8), lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang giao dịch ở mức 4,62%, giảm phiên thứ ba liên tiếp và giảm 0,31% so với phiên giao dịch đầu tuần.
Tuần trước, theo thống kê của NHNN, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 1.795.223 tỷ đồng, bình quân 359.045 tỷ đồng/ngày, tăng 11.937 tỷ đồng/ngày so với tuần trước nữa. Hơn 89% giao dịch tập trung vào kỳ hạn qua đêm.
Nếu tuần trước lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn đều tăng (1 tuần tăng 0,32%, qua đêm tăng 0,28%, kỳ hạn 2 tuần tăng 0,26%) thì tuần này đều giảm với cả ba kỳ hạn.
Trong tháng 7, NHNN sử dụng linh hoạt cả hai kênh OMO và phát hành tín phiếu nhằm giúp ổn định thanh khoản hệ thống. Đáng chú ý, lượng tiền được bơm qua kênh OMO tháng này đã tăng gấp 4 lần so với tháng trước.
Theo Công ty chứng khoán MBS, tính đến ngày 25/7, giá trị tiền ròng vào hệ thống ước đạt 392.500 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%, trong đó bao gồm 236.100 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2%-5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các NHTM đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn”, chuyên gia phân tích MBS nhận định.