Không chỉ những rủi ro từ bên ngoài, mà cả các vấn đề nội tại có thể khiến đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng. |
Xung đột leo thang, lo rủi ro kinh tế
Dù xung đột Israel - Iran đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng cũng đã làm dấy lên nỗi lo về những rủi ro đối với kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Rủi ro lớn nhất chính là việc giá dầu có thể tăng sốc, bởi Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC. Giá dầu tăng, thì hệ lụy sẽ tác động tới lạm phát, giá cả đầu vào nhiều loại nguyên vật liệu sản xuất.
Giá dầu Brent vẫn đang ở mức hơn 90 USD/thùng, dù đã có sự giảm nhẹ. Giới chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, nếu có đụng độ lớn giữa Iran và Israel, giá dầu sẽ nhanh chóng bị đẩy lên trên 100 USD/thùng. Điều này được cho là tạm thời ít có khả năng xảy ra, khi những hành động vũ trang ở khu vực Trung Đông đã giảm nhiệt.
Tuy vậy, những diễn biến kinh tế trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ cho thấy, đã bắt đầu có những tác động khó lường. Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, 15/4. Nói với Hãng thông tấn Reuters, Giám đốc Đầu tư Alex McGrath của Công ty NorthEnd Private Wealth cho biết: “Tất cả đều đang dõi theo tin tức từ Trung Đông. Mối lo về Trung Đông đang chi phối tâm lý nhà đầu tư”.
Đó là câu chuyện không chỉ riêng đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Rủi ro về giá dầu, giá vàng, giá USD, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất…, thậm chí là rủi ro của kinh tế toàn cầu đang phụ thuộc khá lớn vào những diễn biến ở khu vực Trung Đông. Nếu xung đột bị đẩy lên, thì rủi ro là không thể lường trước được.
“Điều gì cũng có thể xảy ra. Tuy vậy, trước mắt, xung đột cũng đã được kiềm chế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói với phóng viên Báo Đầu tư như vậy.
Thực tế, xung đột địa chính trị toàn cầu vẫn luôn là một “biến số” lớn đối với kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Ngay từ cuối năm ngoái, khi xây dựng các kịch bản kinh tế năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn nhấn mạnh những thách thức liên quan đến xung đột địa chính trị toàn cầu.
Khi công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là của Việt Nam mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đề cập điều này. “Một trong những thách thức lớn nhất từ bên ngoài đối với kinh tế Việt Nam đến từ sự thiếu ổn định trên thị trường toàn cầu do các xung đột ở Ukraine và Trung Đông. Các thách thức này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói.
Nhóm chuyên gia của BIDV và ông Cấn Văn Lực khi công bố báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế quý I, dự báo cả năm 2024, cũng nhấn mạnh đầu tiên tới những rủi ro, thách thức từ xung đột địa chính trị dai dẳng ở Ukraine, dải Gaza, Biển Đỏ… “Tất cả rủi ro này đều đang hiện hữu. Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, sức cầu phục hồi nhưng còn yếu, yếu tố rủi ro - bất định còn ở mức cao, và điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch của Việt Nam”, ông Cấn Văn Lực bày tỏ.
Hóa giải thách thức để tăng trưởng
Không chỉ là những rủi ro từ bên ngoài, mà thực tế, còn cả những vấn đề nội tại từ bên trong khiến đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Chuyện tiêu dùng nội địa còn chưa phục hồi hoàn toàn và đang có dấu hiệu chậm lại, khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản, giá vàng, giá USD “nhảy múa”… là những vấn đề đã được nhiều chuyên gia kinh tế và cả các cơ quan hoạch định chính sách nhắc đến lâu nay.
Thậm chí, theo ông Shantanu Chakraborty, rủi ro đối với kinh tế Việt Nam còn là những áp lực đến tiền đồng Việt Nam (VND) khi chính sách tiền tệ được nới lỏng, trong khi chính sách tài khóa -trong đó quan trọng nhất là đầu tư công - vẫn chưa phát huy sức mạnh.
“Mặc dù Chính phủ nỗ lực giải quyết vấn đề giải ngân đầu tư công, nhưng tiến triển đạt được là chưa đủ”, ông Shantanu Chakraborty nói và đề cập việc một số dự án được phê duyệt với ngân sách được phân bổ, nhưng đôi khi chưa sẵn sàng để triển khai, gây ra tình trạng chậm trễ kéo dài.
“Cần đảm bảo đầu tư công đi đúng hướng”, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh.
Thậm chí, theo vị này, Việt Nam cần tăng cường tiêu dùng kết hợp với chính sách tài khóa để tăng cung tiền mặt trong lưu thông. Vị Giám đốc ADB tại Việt Nam cho biết, trong khu vực, hầu hết các quốc gia giữ vững đà tăng trưởng tốt đều là có thị trường nội địa phát triển.
Việt Nam, với dân số hơn 100 triệu người, cũng là một thị trường nội địa nhiều tiềm năng. Tuy vậy, Nhóm nghiên cứu của BIDV và ông Cấn Văn Lực cũng bày tỏ lo lắng khi sức cầu của thị trường nội địa còn yếu. Cụ thể, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của quý I năm nay (8,2%) thấp hơn khá nhiều mức tăng 13,9% của cùng kỳ năm 2023 và mức tăng 12,6% của cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do tâm lý tiêu dùng thận trọng khi hoạt động sản xuất - kinh doanh còn khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh điều này. Ông cho rằng, việc sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu đã cho thấy tâm lý thận trọng, chi tiêu tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế.
Hơn thế, điều quan trọng là, sức mua giảm sẽ ảnh hưởng đến động lực của khu vực doanh nghiệp, và qua đó, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù tăng trưởng GDP quý I đạt mức 5,66% là tích cực, thậm chí theo cách nhìn nhận của ADB là “rất đáng khen ngợi”, “minh chứng cho khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam”, nhưng rủi ro là hiện hữu. Hóa giải thách thức để thúc đẩy tăng trưởng là nhiệm vụ quan trọng đối với nền kinh tế ở thời điểm hiện nay, nhất là khi Chính phủ quyết đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Dự báo của ADB cho rằng, năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6% trong năm nay là 6,2% trong năm tới. Trong khi đó, nhóm chuyên gia của ông Cấn Văn Lực dự báo, tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9-6,3%, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8-6,2% và cả năm 2024 có thể tăng 6-6,5%. Đấy là theo kịch bản cơ sở, còn theo kịch bản tích cực, con số có thể lên tới 6,5-7%.