Bộ Công thương nói, doanh nghiệp quy mô quá nhỏ làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ ít hiệu quả. |
Dự thảo lần 3 nghị định về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương xây dựng đã bổ sung thêm điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, liên quan đến năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu của thương nhân đầu mối mới tham gia thị trường xăng dầu, Bộ này đề xuất: "Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mới tham gia thị trường phải có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu là 100.000 m3,tấn xăng dầu/năm".
Bên cạnh đó, quy định tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được tính trên lượng xăng dầu nhập khẩu, xăng dầu mua từ nhà máy lọc dầu trong nước, xăng dầu tự pha chế; xăng dầu mua bán qua lại giữa các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không được tính vào tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.
Quy định thêm trách nhiệm về thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được cơ quan soạn thảo Nghị định giải thích, sẽ giúp lựa chọn được doanh nghiệp có năng lực thực sự trong kinh doanh xăng dầu làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Bộ Công thương cho biết, theo tính toán, tổng nguồn xăng dầu cho tiêu thụ nội địa của Việt Nam hiện khoảng 27 triệu m3,tấn xăng dầu các loại (số liệu năm 2023), trong đó nhiên liệu hàng không khoảng trên 1 triệu m3, còn lại gần 26 triệu m3,tấn xăng dầu mặt đất.
Các nhà máy lọc dầu trong nước đáp ứng được khoảng 70% tổng nguồn xăng dầu, còn lại là xăng dầu nhập khẩu.
Riêng 2 thương nhân đầu mối lớn là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) thực hiện được khoảng 59,3% tổng nguồn xăng dầu mặt đất trên cả nước (tương đương khoảng 15,32 triệu m3,tấn xăng dầu).
Còn lại 40,7% tổng nguồn xăng dầu mặt đất trên cả nước (tương đương khoảng 10,51 triệu m3,tấn) do 28 thương nhân đầu mối còn lại đảm nhiệm.
Có một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thậm chí chỉ thực hiện được tổng nguồn xăng dầu mặt đất dưới 100 ngàn m3,tấn/năm (chỉ tương đương khoảng 0,38% tổng nguồn xăng dầu cả nước).
"Việc để doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ tham gia thị trường với vai trò thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ ít hiệu quả do không cạnh tranh được chi phí kinh doanh trong khâu tạo nguồn đầu vào lẫn phân phối trong nước, khó có khả năng đảm bảo nguồn cung xăng dầu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", Bộ Công thương lý giải.
Xăng dầu là ngành hàng đặc biệt, có ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, có đặc thù riêng, đòi hỏi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có kinh nghiệm trong kinh doanh xăng dầu, có năng lực tài chính, phải có sẵn hệ thống phân phối.
Vì vậy, theo Bộ Công thương, doanh nghiệp làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cần thiết phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, áp dụng kinh nghiệm đã làm thương nhân phân phối xăng dầu để nâng lên làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, đáp ứng quy định :"Là thương nhân phân phối xăng dầu tối thiểu trong 36 tháng liên tục trước khi đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu".