Theo TS Phạm Thế Anh, quỹ bình ổn xăng dầu là một “sáng tạo” của Việt Nam nhưng chưa giúp bình ổn giá. |
Nêu quan điểm tại hội thảo "Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu", TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) nói rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá, chưa giúp bình ổn giá trong nước.
Theo TS Phạm Thế Anh, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một “sáng tạo” của Việt Nam. Quỹ này hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu.
Cùng đó, Quỹ có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra, việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, nguyên tắc này không đảm bảo "bình ổn".
Theo tính toán của TS Phạm Thế Anh, năm 2022, có thời điểm giá xăng lên đến 29.000 - 30.000 đồng/lít thì vẫn trích lập quỹ ở mức cao còn hiện nay giá xăng thế giới giảm thì lại tiếp tục chi quỹ thì không đảm bảo nguyên tắc bình ổn giá xăng dầu.
Qua khảo sát trong 3 năm gần đây thì thấy, mức độ biến động (đo bằng độ lệch chuẩn) của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn.
Việc xác định loại xăng dầu nào được trích lập hoặc được chi khá tùy hứng; quy mô trích lập/chi cũng không tuân theo quy tắc nào; có xu hướng tái phân phối thu nhập theo hướng làm tăng bất bình đẳng.
Cụ thể, năm 2022, xăng E5RON92 có số lần được chi Quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập, các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi, với 46 lần chi quỹ, 35 lần trích lập. Dầu hỏa có 25 chi quỹ, 46 lần trích lập. Xăng RON95 có 36 lần chi quỹ và 41 lần trích lập. Dầu mazut có 22 lần chi quỹ, 50 lần trích lập.
"Những người sử dụng dầu đang phải "trợ giá" cho những người dùng xăng, "có xu hướng tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng bất bình đẳng", vị Chuyên gia này cho biết.
Đưa ra khuyến nghị về Quỹ bình ổn, TS Phạm Thế Anh cho biết, quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu, rút ngắn thời gian điều hành giá, tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn.
Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Nghị định 83 và 95, VCCI cho rằng, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước, đó là nhằm khiến giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh.
Sự biến động của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng quỹ, do đó VCCI đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.