HSMT yêu cầu gì?
Ngày 11/8, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu mua sắm hàng hóa số 01: Thang máy vận chuyển bệnh nhân, khách hàng và tải hàng hóa thuộc dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long. HSMT này được ban hành theo Quyết định số 3573/QĐ-SYT do ông Mai Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long ký ngày 5/8/2016. Gói thầu này do Công ty Tư vấn Đầu tư Xây dựng Phát Lam Sơn (tỉnh Vĩnh Long) làm đơn vị tư vấn lập HSMT.
Thông tin HSMT được phát hành cho thấy nguồn vốn thực hiện gói thầu có cơ cấu sử dụng từ 3 nguồn vốn lần lượt là ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% phần xây lắp, vốn ODA hỗ trợ đầu tư phần thiết bị và vốn ngân sách địa phương 50% đầu tư xây lắp và các chi phí còn lại. Về phạm vi cung cấp hàng hóa, HSMT gói thầu này yêu cầu nhà thầu cung cấp 5 chiếc thang máy vận chuyển bệnh nhân, ký mã hiệu lần lượt là B4, B5, B6, B8, B10, tải trọng 1000kg/chiếc. Gòi thầu cũng yêu cầu cung cấp 5 chiếc thang máy vận chuyển khách hàng, ký mã hiệu lần lượt là P1, P2, P3, P7, P9, tải trọng 900kg/chiếc. Ngoài ra, với loại thang máy tải hàng hóa có số lượng 3 chiếc, ký mã hiệu là P11, P12, P13, trọng tải 550kg/chiếc.
Lắp đặt động cơ thang máy. |
Theo đó, HSMT mô tả những điểm chính yếu hàng hóa cung cấp như sau: Một là, thang máy vận chuyển bệnh nhân là loại có phòng máy; số người phục vụ ≥15 người; hệ điều khiển nhóm 3: thang B4, B5, B6, hệ điều khiển đơn 2 thang: B8, B10; tốc độ 1,5m/s và 10 điểm dừng cho thang B4, B5, B6; 9 điểm dừng cho thang B8, B10. Hai là, thang máy vận chuyển khách hàng loại có phòng máy; số người phục vụ ≥13 người; hệ điều khiển nhóm 3: thang P1, P2, P3, hệ điều khiển đơn: thang P7, P9; tốc độ 1,75m/s; số điểm dừng là 10 với các thang P1, P2, P3 và 9 điểm dừng với các thang P7, P9. Ba là, thang máy tải hàng hóa loại không phòng máy, hệ điều khiển đơn, tốc độ ≥1,0m/s, 2 điểm dừng.
Điều đáng chú ý là trong phần thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn có một số đặc điểm các nhà thầu “lăn tăn” là cả 3 loại thang gồm thang máy vận chuyển bệnh nhân, vận chuyển khách hàng, tải hàng đều nêu yêu cầu động cơ nhập khẩu đồng bộ của hãng sản xuất và có năm sản xuất từ 2016 trở về sau. Đặc biệt, phần hệ thống động lực cũng yêu cầu động cơ kéo nhập khẩu đồng bộ của hãng sản xuất và yêu cầu sử dụng loại máy kéo không hộp số với động cơ nam châm vĩnh cửu.
Ngoài ra, về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự nhà thầu chính phải thỏa mãn yêu cầu trong 4 năm gần đây có số lượng hợp đồng ≥02 hợp đồng có giá trị ≥34 tỷ đồng. Trong đó có ≥01 hợp đồng có giá trị ≥17.0 tỷ đồng/1 hợp đồng. Bên cạnh đó lịch sử thực hiện hợp đồng sẽ được đánh giá không đạt nếu có hợp đồng chậm tiến độ hoặc hợp đồng hoàn thành nhưng có sự cố kỹ thuật lớn trong quá trình hoạt động, sử dụng (rơi thang, kẹt thang…).
Mơ hồ “bẫy” kỹ thuật
Không dưới 2 nhà thầu sản xuất thanh máy trong nước quan tâm tới gói thầu nói trên điện thoại cho phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn phản ánh những nghi vấn HSMT gói thầu gói thầu mua sắm thang máy vận chuyển bệnh nhân, khách hàng và tải hàng hóa thuộc dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long. Các nhà thầu này đều có chung nhận định một số điều kiện trong HSMT được “gài” rất tinh tế vào trong hồ sơ để làm khó nhà thầu sản xuất trong nước nếu như không được làm sáng tỏ ở giai đoạn làm rõ HSMT.
Một nhà thầu yêu cầu không nêu tên vì sợ bị gây khó dễ khi tham gia dự thầu gói này cho biết HSMT rất tinh vi, hầu như nhà thầu rất khó khăn để chỉ mặt “vấn đề”. Theo nhà thầu này thì HSMT nổi lên 3 bất hợp lý:
Một là, dù không yêu cầu rõ xuất xứ thang máy nhập ngoại nhưng HSMT gói thầu yêu cầu “Động cơ nhập khẩu đồng bộ cùng hãng sản xuất”. Nhà thầu này giải thích hiện nay hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thang máy trong nước đều nhập khẩu động cơ. Bởi động cơ là một hợp phần rất quan trọng, yêu cầu kỹ thuật chế tạo cao của thang máy nên trong nước chưa sản xuất được. HSMT đưa ra điều kiện này chưa có nghĩa là phân biệt đối xử với nhà thầu cung cấp hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là vế còn lại yêu cầu “đồng bộ cùng hãng sản xuất”. Nội hàm đồng bộ cùng hãng sản xuất mà HSMT đưa ra rất mơ hồ, không lượng hóa được. Nếu không được làm rõ thì trong quá trình chấm thầu Chủ đầu tư dễ suy diễn theo nhiều cách hiểu khác nhau và không loại trừ khả năng bên mới thầu dùng tiêu chí này để loại nhà thầu này và nâng đỡ nhà thầu khác đã “cơ cấu” theo ý chủ quan. “Có thể hiểu đồng bộ sự ăn khớp giữa tất cả các bộ phận tạo nên sự hoạt động nhịp nhàng của chỉnh thể động cơ thang máy. Vậy nhà thầu chỉ thay thế một con ốc vít để gá động cơ (ốc vít được sản xuất trong nước) có được coi là đồng bộ không?”, nhà thầu nêu ví dụ.
Hai là, về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự. HSMT yêu cầu nhà thầu chính phải thỏa mãn yêu cầu trong 4 năm gần đây có số lượng ≥02 hợp đồng có giá trị ≥34 tỷ đồng. Trong đó có ≥01 hợp đồng có giá trị ≥17.0 tỷ đồng. Các nhà thầu cho rằng với điều kiện này các nhà thầu cung cấp thang máy sản xuất trong nước không thể đáp ứng được. Bởi lẽ thang máy thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng mức đầu tư của một công trình xây dựng nên đa phần giá trị các hợp đồng cung cấp, lắp đặt thang máy cũng khiêm tốn, thường chỉ trên dưới 15 tỷ đồng. Ngoài ra, là chi phí sản xuất thang máy trong nước rẻ hơn nhiều so với thang máy nhập ngoại nên giá thành cũng rẻ hơn tới 30 – 40% dẫn tới giá trị hợp đồng thường nhỏ hơn rất nhiều. Điều đáng lưu tâm nữa là việc lên dự toán mức đầu tư gói thầu thang máy của Bệnh viện Đa khoa Vinh Long có tham chiếu theo giá thang nhập ngoại không? Nếu việc tham chiếu giá thang máy ngoại nhập được bên tư vấn lập HSMT áp dụng và việc thẩm định giá không kỹ lưỡng thì sẽ để lại hệ lụy. Cụ thể, kịch bản đẩy tổng mức vốn đầu tư gói thầu “vống” lên, tốn kém thêm cho ngân sách, đồng thời tổng mức đầu tư tăng đồng nghĩa yêu cầu hợp đồng tương tự sẽ cao vượt ngoài tầm với của các nhà sản xuất thang máy trong nước. Và điều đương nhiên sẽ sảy ra là nhà thầu cung cấp thang máy trong nước sẽ “chầu rìa" cuộc chơi để thang máy nhập ngoại “một mình, một chợ”.
Ba là, vấn đề lịch sử thực hiện hợp đồng. HSMT yêu cầu nhà thầu có lịch sử thực hiện hợp đồng sẽ được đánh giá không đạt nếu có hợp đồng chậm tiến độ hoặc hợp đồng hoàn thành nhưng có sự cố kỹ thuật lớn trong quá trình hoạt động, sử dụng (rơi thang, kẹt thang…). Ý kiến nhà thầu cho rằng có thể xem là “vấn đề” vì hoàn toàn có thể áp đặt ý kiến chủ quan, tùy tiện mà khó thể chỉ ra lỗi được. Hằng năm, mỗi nhà thầu bán ra thị trường cả ngàn thang máy các loại. Vậy bên mời thầu có đủ khả năng kiểm soát lịch sử thực hiện tất cả hợp đồng của các nhà thầu trên địa bàn cả nước, thậm chí ở nước ngoài không? Câu trả lời xem ra còn bỏ ngỏ. Khả năng bên mời thầu bỏ qua lỗi này của nhà thầu này và căn ke “bới vết tìm bọ” của nhà thầu kia là có khả năng sảy ra. Chưa kể việc chậm tiến độ thực hiện hợp đồng trên thực tế có cả ngàn vạn lỗi và chưa chắc lỗi đến từ phía nhà thầu. Thêm nữa, yêu cầu không có sự cố kỹ thuật lớn trong quá trình hoạt động, sử dụng (rơi thang, kẹt thang…) khó khả thi. Bởi vì, trong vòng đời sử dụng thang may là lâu dài, xác xuất xảy ra sự cố là không thể không có. Và tất nhiên nguyên nhân sự cố chưa hẳn do nhà sản xuất, nhà thầu. Không ít lỗi do quá trình vận hành không tuân thủ quy trình an toàn, quy trình bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định định kỳ… của người sử dụng và lỗi bất khả kháng khác cũng không thể loại trừ. Chắc chắn bên mời thầu không đủ thời gian, nhân lực để tầm soát hết lịch sử sự cố của các nhà thầu.
Vì những lý do trên, nếu việc vận dụng yêu cầu này trong quá trình chấm thầu võ đoán, phiến diện thì cuộc thầu sẽ không đảm bảo tính công bằng với các nhà thầu.
Để làm rõ những lo ngại nói trên của các nhà thầu và làm rõ yêu cầu chủ đầu tư, phóng viên Báo Đầu tư đã nhiều lần liên lạc và có văn bản gửi tới Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long. Mặc dù chủ đầu tư hứa hẹn có văn bản phúc đáp, xong rất tiếc chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.