Doanh nghiệp
Thêm nhiều DN ra khỏi diện nhà nước nắm vốn chi phối
Khánh An - 21/02/2014 14:22
432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tên trong danh sách cổ phần hóa trong 2 năm 2014 - 2015 sẽ chưa phải là con số cuối cùng khi tiêu chí phân loại DNNN mới được ban hành. Bộ trưởng Thăng: Kiếm 1,4 tỷ USD xây Sân bay Long Thành >Vietnam Airlines có giá bao nhiêu? >Tháng 2/2014: Ban hành nghị quyết thoái vốn DNNN

Mặc dù cho tới thời điểm này, Dự thảo về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN thay thế Quyết định 14/2011/QĐ-TTg chưa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, song tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, bổ sung danh sách DNNN cổ phần hóa trong 2 năm tới theo tiêu chí mới.

Áp lực cổ phần hóa sẽ lớn hơn khi bộ tiêu chí phân loại DNNN
mới được ban hành (Ảnh: Đức Thanh)

Nguyên tắc rà soát cũng được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rõ, đó là giảm số doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn, giảm số doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

“Cổ phần hóa doanh nghiệp sản xuất bia mà Nhà nước nắm giữ tới 80 - 90%, thì cổ phần hóa để làm gì? Doanh nghiệp bia có cần phải giữ 65 - 75% vốn nhà nước không hay giảm hơn?”, Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề và cho rằng, nếu giữ vốn nhà nước chi phối ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, thì sẽ khó kêu gọi được cổ đông chiến lược.

Cũng phải nói thêm, trong giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về bối cảnh xây dựng bộ tiêu chí mới, quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN diễn ra với tốc độ ngày càng chậm, kết quả đạt được còn nhiều hạn chế.

Thực tế, nếu như trong giai đoạn 2005 - 2006, số doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa lên tới 1.172, thì giai đoạn 2007 - 2010, con số này giảm còn 384. Trong giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch đặt ra cho công việc này là 531 doanh nghiệp, nhưng trong 2 năm 2011 - 2013, cả nước mới thực hiện cổ phần hóa được 99 doanh nghiệp. Có thể thấy, kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp còn lại đang là áp lực lớn với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty…

Tuy nhiên, áp lực thực hiện cổ phần hóa DNNN đối với các vị lãnh đạo sẽ tiếp tục nặng hơn, khi theo bộ tiêu chí phân loại DNNN mới, số lượng doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa sẽ là 848 doanh nghiệp trong tổng số 1.300 doanh nghiệp hiện hành. So với con số doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2015 đã từng được công bố trước đó chỉ là 561 doanh nghiệp (trong số 1.169 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa), thì số lượng doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa đã tăng lên khá nhiều. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần theo tiêu chí mới đã là 524 doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong số này, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hạ tầng quan trọng đã không còn đủ tiêu chí để ở trong danh mục Nhà nước nắm giữ 100% vốn, như các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý, khai thác cảng biển loại I; quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay… Các doanh nghiệp sản xuất điện quy mô lớn từ 500 MW trở lên; sản xuất gang, thép có công suất trên 500.000 tấn/năm… cũng sẽ ra khỏi danh mục Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Điều đó cũng có nghĩa là, khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành tiêu chí mới, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng sẽ không cần phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành cổ phần hóa sớm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để có vốn đối ứng đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành như đã phải làm tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015.

Tất nhiên, kiến nghị của Bộ trưởng Thăng cũng sẽ đi cùng với trách nhiệm cụ thể trong thực hiện kiến nghị này. Tại Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 cũng đã ghi rõ: bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ về thời hạn phê duyệt đề án, kết quả tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN thuộc phạm vụ phụ trách.

Đặc biệt, Dự thảo cũng ghi rõ, trường hợp chậm trễ thực hiện, không có báo cáo đầy đủ, kịp thời theo quy định thì được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại quy chế giám sát và phân loại doanh nghiệp của Chính phủ.

Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu DNNN và nhiệm vụ Nhà nước giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm, như cách chức, miễn nhiệm, điều chuyển công việc.

Tin liên quan
Tin khác