Hai tuần đầu tháng 4, từ 3/4 đến phiên ngày 16/4 trên thị trường thứ cấp, lợi suất TPCP kỳ hạn 3 năm chỉ giảm 10 điểm cơ bản - chậm hơn mức giảm 20 điểm của tuần liền trước đó. Chỉ có kỳ hạn 2 năm vẫn giảm đáng kể 40 điểm trong hai tuần này, còn lợi suất của các kỳ hạn 1 năm, 5 năm và 10 năm đã chững lại, chủ yếu là không có giao dịch trên thị trường.
| ||
Lợi suất của các kỳ hạn 1 năm, 5 năm và 10 năm đã chững lại, chủ yếu là không có giao dịch trên thị trường |
Nhu cầu mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp cũng đã chững lại trong phiên đấu thầu cuối tuần qua. Trong cả tuần qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) chỉ bán được 4.110 tỷ đồng TPCP trên tổng số 7.000 tỷ đồng chào bán, trong khi các phiên đấu thầu trước đó liên tục đạt tỷ lệ thành công 100%. Lượng đặt thầu đặc biệt giảm xuống ở kỳ hạn 5 năm. Nhu cầu đối với trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách cũng giảm xuống đáng kể.
Các ý kiến từ thị trường cho biết, lợi suất TPCP sau 1 tháng giảm liên tục, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động xuống 7,5%/năm, đã xuống đến mức khó có thể hấp dẫn dòng tiền từ các ngân hàng thương mại được nữa. Lợi suất của kỳ hạn 1 năm trên thị trường thứ cấp trong phiên giao dịch 16/4 đã giảm xuống 6,7 - 6,9%, thấp hơn đáng kể so với lãi suất huy động 12 tháng là 7,5%.
“Lợi suất TPCP vẫn giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại, chủ yếu do lợi suất đang tiếp cận với mức CPI kỳ vọng của năm nay”, ông Trịnh Quang Dũng, chuyên viên phân tích CTCK Vietcombank nhận xét.
Mặt khác, theo ông Dũng, tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu cải thiện nhẹ, cũng là một yếu tố tác động khiến lợi suất TPCP chững lại. Thống kê của CTCK Vietcombank cho thấy, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tính đến cuối tháng 3 đã dương trở lại, đạt 0,1%, sau 2 tháng liên tục âm 1,23% và âm 0,28% trong tháng 1 và tháng 2/2013.
Theo nhận xét của lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản được Ngân hàng Nhà nước đề xuất, bắt đầu triển khai từ đầu tuần này. Mặc dù chỉ có giá trị rất nhỏ đối với lượng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản và cũng là số tiền rất nhỏ so với quy mô hệ thống ngân hàng, nhưng gói hỗ trợ đang có tác động nhất định tới tâm lý của các ngân hàng.
“Lợi suất TPCP hiện nay đã xuống thấp, ngân hàng khó có thể tiếp tục đổ mạnh tiền vào kênh này nữa. Trong khi đó, tín dụng đang có những hy vọng mới cho đầu ra, điều đó khiến cho nhu cầu mua TPCP sẽ giảm dần”, vị này nói.
Lợi suất trái phiếu ở tất cả các kỳ hạn đã giảm từ 100 - 165 điểm trong 3 tháng của quý I/2013, đặc biệt giảm mạnh tại các kỳ hạn ngắn. Tình trạng các ngân hàng đẩy tiền mạnh vào kênh đầu tư này đã có phần dấy lên nỗi lo các ngân hàng xao nhãng hoạt động cho vay. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số ngân hàng, nhiều tháng nay, các ngân hàng vẫn đang chịu sức ép thường trực để cải thiện tín dụng. Dù kênh trái phiếu có lãi đến đâu, ngân hàng cũng chỉ có thể dành 10 - 15% tổng tài sản để đầu tư vào TPCP, trong khi kênh tín dụng vẫn mang lại 70 - 80% thu nhập cho ngân hàng. Thực tế này cho thấy, sức ép lớn nhất với các ngân hàng là tìm được đầu ra cho tín dụng.
Bảng 1: Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp
Ngày | 1 năm | 2 năm | 3 năm | 5 năm | 10 năm |
26/2 | (*)7,6/7,4 | 8,4/8,2 | 8,6/8,4 | 9,3/9,0 | 9,2/8,9 |
28/03 | 7,0/6,8 | 7,8/7,6 | 8,1/7,9 | 8,8/8,6 | 9,3/9,1 |
03/04 | 6,9/6,7 | 7,7/7,5 | 7,9/7,7 | 8,6/8,4 | 9,3/9,1 |
16/04 | 6,9/6,7 | 7,3/7,1 | 7,8/7,6 | 8,6/8,4 | 9,3/9,1 |
(giá mua/giá bán) (Nguồn: Tổng hợp từ HNX)
Bảng 2: Tăng trưởng tín dụng ngân hàng
Tháng | TTTD năm/năm | TTTD tháng/tháng | TTTD đầu năm-ngày |
12/2012 | 8,91% | 5,37% | 8,91% |
1/2013 | 6,73% | -1,06% | -1,23% |
2/2013 | 11,40% | 0,96 % | -0,28% |
3/2013 | 11,20% | 0,31% | 0,10% |
Nguồn: CTCK Vietcombank
Hải Linh
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn