Ở đây, trước hết phải khẳng định một điều rằng, việc xây dựng những trung tâm hành chính tập trung, với mục tiêu thực hiện cơ chế hành chính một cửa, tạo điều kiện để chính quyền và người dân gần nhau hơn là cần thiết và thực sự hữu ích. Cũng bởi thế, khi Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2014, người dân đã đồng tình, ủng hộ. Tòa nhà này, thậm chí cũng đã được coi như một biểu tượng của thành phố bên sông Hàn.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, đã có nhiều vấn đề phát sinh, đến nỗi trong một cuộc họp gần đây của HĐND TP. Đà Nẵng, đã có đề xuất về việc xây dựng khu hành chính mới để thay thế.
Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng |
Xin không bàn sâu hơn về chuyện vì sao cần xây mới, với lý do không khí chưa sạch, rồi nóng quá; cũng xin không bình luận thêm việc nên hay không nên bỏ cũ xây mới, nhưng rõ ràng, những ồn ào gần đây về Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng cho thấy, dự án này “có vấn đề”. Đây là bài học nhãn tiền để sau này, nếu có bất cứ kế hoạch xây dựng như vậy, giả dụ là trung tâm hành chính mới - trong trường hợp cần thiết phải bỏ cũ xây mới, thì cần phải xem xét một cách cẩn trọng hơn. Nếu không, kéo theo đó sẽ là những lãng phí ngàn tỷ.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm với không chỉ riêng Đà Nẵng, mà còn cho các địa phương khác trong cả nước, trong cả quản lý thu - chi ngân sách, cũng như đầu tư sử dụng vốn nhà nước nói chung. Cũng chỉ cách đây 1-2 năm, dư luận đã không khỏi bức xúc khi mà hàng loạt địa phương đã đề xuất các kế hoạch xây dựng các trụ sở hoành tráng, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp. Đó là sự lãng phí không đáng có.
Một sự lãng phí khác cũng đã được dư luận nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây là các dự án ngàn tỷ nằm đắp chiếu, từ Gang thép Thái Nguyên tới Xơ sợi Hải Phòng, Đạm Ninh Bình, rồi Bio-Ethanon Dung Quất... Bỏ cũng dở, mà cứu cũng không xong, và hệ lụy là hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư của Nhà nước vẫn đang “trơ gan” cùng sương gió.
Câu chuyện nằm ở chỗ, danh mục này càng ngày càng kéo dài. Vì thế, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước, các thành viên của Ủy ban đã yêu cầu Chính phủ phải có một báo cáo riêng về những dự án ngàn tỷ đắp chiếu, thua lỗ, để giám sát chặt chẽ. Cũng đã có những yêu cầu về việc Chính phủ phải sớm có thái độ dứt khoát, dự án nào cần duy trì, dự án nào không dùng tiền ngân sách nhà nước để nuôi, để cứu nữa. Một động thái cực kỳ cần thiết để không có chuyện lãng phí chồng lãng phí, để không tiếp tục bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém.
Ngân sách càng hạn hẹp thì càng cần phải được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư vào những dự án quan trọng, mang lại năng lực cho nền kinh tế, chứ không phải đầu tư tràn lan.
Một chuyện khác cũng cần nói tới, đó là lâu nay, khi lên án sự lãng phí, dư luận thường nhắc tới những dự án sử dụng vốn đầu tư công, mà quên mất rằng, bất kể dự án nào, dù sử dụng vốn nhà nước, trái phiếu chính phủ, hay vốn ODA, vốn tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…, cũng đều gây lãng phí một khi không sớm được triển khai để đưa vào sử dụng hiệu quả. Một dự án kéo dài, trì trệ 5-7 năm không triển khai, không chỉ làm thiệt hại hay lãng phí về tài chính cho chủ đầu tư, cho Nhà nước, mà còn là sự lãng phí lớn trong sử dụng nguồn lực quốc gia. Đất đai bỏ hoang là một sự lãng phí vô cùng lớn. Chưa kể, còn là mất các cơ hội đầu tư, kinh doanh khác.
Phải làm sao, để không còn những dự án lãng phí ngàn tỷ như vậy nữa!.