Đầu tư
Theo sát diễn biến lạm phát
Hà Nguyễn - 02/11/2021 08:08
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng chỉ còn tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái khiến gần như chắc chắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức dưới 4% sẽ đạt được.
Cần theo dõi sát sao diễn biến lạm phát những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đầu năm 2022.

Việc Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 tiếp tục giảm 0,2%, đưa CPI bình quân 10 tháng chỉ còn tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây, khiến gần như chắc chắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức dưới 4% sẽ đạt được. Tuy vậy, vẫn cần theo dõi sát sao diễn biến lạm phát những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đầu năm 2022.

Cách đây ít hôm, khi Ban Chỉ đạo điều hành giá họp bàn, các nhận định tương tự cũng đã được đưa ra, rằng công tác kiểm soát lạm phát năm 2021 đảm bảo trong tầm kiểm soát, thậm chí ở mức thấp. Mặc dù vậy, áp lực lạm phát năm 2022 có thể sẽ lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng còn diễn biến khó đoán, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.

Thực tế, với việc giá dầu thế giới tăng cao, giá xăng trong nước vừa có một đợt điều chỉnh khá mạnh, tăng thêm gần 1.500 đồng/lít xăng RON 95, lên mức 24.330 đồng/lít, cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, giá xăng dầu đã có 3 đợt điều chỉnh kể từ ngày 25/9 đến nay, với mức điều chỉnh của giá xăng A95 lên tới 2.940 đồng/lít, giá xăng E5 là 2.970 đồng/lít, còn giá dầu diesel thì tăng 2.690 đồng/lít. Giá xăng tăng đã khiến nhóm giao thông có Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10/2021 tăng cao nhất (2,51%) so với tháng trước đó và làm cho CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, thì sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam thời gian tới.

Thông thường, hai tháng cuối năm và những tháng đầu năm mới đều là thời điểm CPI có nhiều biến động nhất, do đây là những tháng nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng mạnh, phục vụ cho nhu cầu dịp Tết. Hơn nữa, với việc Quốc hội, Chính phủ đang bàn thảo và tới đây có thể quyết định các chính sách nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, các chính sách tài khóa, tiền tệ được nới lỏng hơn, thì một nguồn vốn không nhỏ có thể sẽ đổ vào nền kinh tế trong thời gian tới. Hẳn nhiên, yếu tố này sẽ tác động đến lạm phát.

Vấn đề với nền kinh tế Việt Nam còn nằm ở chỗ, hiện có một khoảng cách khá lớn giữa Chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất. CPI tăng thấp, nhưng trên thực tế, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, bao gồm cả nguyên vật liệu phục vụ cho đầu tư công trình, dự án lại tăng cao.

Ngoài việc do cách tính CPI chỉ ghi nhận đối với các mặt hàng tiêu dùng trong nước), có một thực tế là, cầu tiêu dùng hiện rất thấp. Qua 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu tính cả yếu tố giá cả) đã giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Cầu yếu dẫn tới CPI tăng rất thấp.

Nhưng tình hình này sẽ không kéo dài lâu, nhất là khi chúng ta đã mở cửa trở lại nền kinh tế, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đang dần được khôi phục. Việc chi phí sản xuất đầu vào tăng cao sẽ sớm “được ghi nhận” ở giá đầu ra. Khi đó, lạm phát sẽ chịu tác động và đây là điều đáng quan tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022.

Bởi thế, khi Ban Chỉ đạo điều hành giá họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, tình hình lạm phát chung của các quốc gia, diễn biến các thị trường Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu lớn để chủ động có giải pháp phù hợp.

Trước mắt, là hai tháng cuối năm, cần tập trung bình ổn giá. Thực tế, đây là việc được làm thường xuyên, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh. Do vậy, càng phải quan tâm tới công tác dự trữ hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường.

Tất nhiên, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát càng cần được coi trọng hơn trong năm 2022.

Tin liên quan
Tin khác